Mở cửa hoàn toàn du lịch từ tháng 15/3/20022, du lịch trong nước “bùng nổ” vượt kế hoạch, nhưng du lịch đón khách quốc tế mới chỉ đạt 20% theo kế hoạch.
Thấp hơn kỳ vọng
Trong khi du lịch nội địa đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn tăng trưởng chậm. Theo Tổng cục Du lịch, tính đến cuối tháng 7/2022, Việt Nam đón gần 1 triệu lượt khách quốc tế, đạt 20% trong mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay. Lượng khách quốc tế đang trên đà phục hồi sau gần 2 năm du lịch Việt Nam “đóng băng” nhưng tốc độ phục hồi được đánh giá chưa đạt như kỳ vọng.
Anh Nguyễn Tuấn Linh, CEO Công ty TNHH Du lịch phiêu lưu cùng Mr Linh, chuyên đón khách quốc tế thị trường châu Âu cho biết: Khách đi thuần tuyến về du lịch đến cũng chưa nhiều, từ tháng 3 đến nay, tôi mới đón hơn chục đoàn theo nhóm nhỏ. Dự báo từ tháng 9 khách quốc tế sẽ vào nhiều hơn nhưng không được như kỳ vọng bởi nỗi lo thường trực với nhiều du khách là dịch bệnh. Bên cạnh đó, giá các dịch vụ cũng tăng khoảng 15% so với trước thời điểm dịch bởi nhiều yếu tố đầu vào tăng. Đây cũng sẽ là khó khăn chung khi cạnh tranh với các điểm đến xung quanh trong khu vực.
“Khách quốc tế thời gian qua phần lớn là đi kết hợp công việc, thăm thân và đi theo nhóm nhỏ. Đồng thời đến từ thị trường gần. Còn khách đến từ thị trường xa và đi theo đúng nghĩa là du lịch, trải nghiệm, nghỉ dưỡng vẫn còn ít”, anh Nguyễn Tuấn Linh chia sẻ.
Còn theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMart (Đà Nẵng), lý do khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều như kỳ vọng là do dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại với biến chủng mới khiến cho một số thị trường lớn bắt đầu chững lại.
“Ví dụ như Hàn Quốc, họ đã dự kiến mở các đường bay lớn vào Việt Nam, nhưng do biến chủng mới nên đã chậm lại. Một số thị trường lớn truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc vẫn chưa mở lại và đang áp dụng chính sách Zero Covid. Thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) có mở, nhưng độ mở không lớn do dịch cũng đang bùng phát trở lại tại các nước này. Tiếp đến là các điểm đến cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Malaysia có chính sách visa tốt hơn. Những yếu tố trên cũng làm hạn chế mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế”, ông Dũng thông tin với Báo Tin tức.
Ông Phạm Hải Quỳnh, TGĐ công ty du lịch Vân Hải Xanh, Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng lại cho rằng, chính sách mở cửa của các nước cũng chưa được thông thoáng. Bên cạnh đó, với các thị trường khách xa, họ cần phải có kế hoạch dài hạn nên từ khi Việt Nam công bố mở cửa từ 15/3/2022, các doanh nghiệp du lịch đối tác và khách cũng sẽ cần có thời gian lên kế hoạch, lựa chọn điểm đến phù hợp. Nhất là dịch bệnh kéo dài khiến tài chính, kinh tế cá nhân của mỗi khách hàng cũng hạn hẹp hơn, rồi giá xăng dầu tăng, chiến tranh… đã kéo theo rất nhiều hệ lụy khiến cho khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt con số như mong muốn.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng: Khách quốc tế đến Hà Nội từ đầu năm đến nay đạt khoảng 150.000 lượt, thấp hơn so với kỳ vọng. Hà Nội kỳ vọng khách quốc tế tăng trưởng dịp cuối năm, nhất là từ tháng 9 được coi là mùa đón khách inbound (khách quốc tế đến Việt Nam).
Vẫn khúc mắc bài toán nhân lực
Theo bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc điều hành Công ty du lịch và sự kiện Viettours, muốn giải bài toán làm sao nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực trạng của ngành hiện nay là thiếu nhân lực trầm trọng, cần giải quyết bài toán này.
“Sau 2 năm bị kìm nén vì dịch bệnh, nhu cầu du lịch nội địa bùng phát mạnh mẽ đã khiến cơ sở hạ tầng ngành du lịch “quá tải” trầm trọng. Mới đây, Viettours tổ chức đưa một đoàn khách MICE gồm 600 người tới Tp.Hồ Chí Minh nhưng 1 khách sạn 5 sao quốc tế thông báo phải tới 23 giờ đêm mới có phòng cho khách vì không có người dọn phòng. Tương tự, các điểm đến đều thông báo “full” dịch vụ, hết phòng khiến công ty lữ hành không dám nhận thêm khách…”, bà Tuyết Lan chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Nếu chúng ta chưa phục hồi du lịch quốc tế thì chưa thể phục hồi du lịch Việt Nam, khi chưa phục hồi du lịch Việt Nam thì chưa thể phục hồi hoàn toàn kinh tế Việt Nam. Muốn phục hồi du lịch, chúng ta cần có nguồn nhân lực chất lượng cao và dồi dào. Tuy nhiên, sau đại dịch nguồn nhân lực của chúng ta gần như đứt gãy hoàn toàn. Thực tế, lao động ngành không chỉ thiếu mà còn suy giảm mạnh về chất lượng. Nếu chúng ta không nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ tập trung cho các cơ sở đào tạo về du lịch, thiết kế chương trình đào tạo nhanh nhất để phục hồi nhanh chóng nguồn nhân lực thì sẽ rất khó để đảm bảo chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm trong giai đoạn tới”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc điều hành khách sạn Silk Path Hà Nội, đơn vị bà hoạt động xuyên suốt trước trong và sau dịch vì làm khách sạn cách ly. Tuy nhiên, hiện nay có lúc những bộ phận của đơn vị chỉ còn 10% nhân viên so với thời gian trước dịch. Trong khi trước dịch, lao động và sinh viên mới ra trường xin được vào làm ở các đơn vị lưu trú uy tín đã là may mắn. Nhưng bây giờ, để có nguồn lao động chúng tôi phải đến các trường để hẹn gặp các bạn và mời các bạn vào làm việc tại công ty mình. Thậm chí, một số nơi còn chấp nhận nhận sinh viên chưa ra trường về làm việc chỉ để đáp ứng đủ nhân lực phục vụ du khách.
Tại Tp.Hồ Chí Minh, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết, trong và sau đại dịch, tại đơn vị có một bộ phận không nhỏ xin nghỉ và chuyển làm nghề khác. Vì thế, khi ngành du lịch khôi phục trở lại, đơn vị cũng rơi vào cảnh thiếu nhân lực. Để có đủ nhân lực phục vụ, Vietravel đang tiếp tục bổ sung từ nguồn liên kết với các trường đại học, cao đẳng. Những vị trí mà đơn vị đang tuyển dụng nhiều là nhân viên kinh doanh, điều hành tour, hướng dẫn viên…
Thu hút người lao động có kinh nghiệm
Để thu hút lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới, ông Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, doanh nghiệp cần thực hiện tốt chính sách lương, cải thiện môi trường làm việc, đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế… Đối với lực lượng lao động tuyển dụng mới, doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, để có việc làm sau mùa dịch, người lao động cần tích cực học hỏi các kỹ năng sử dụng công nghệ số, liên tục phát triển các kỹ năng “mềm”, trau dồi các kỹ năng như giao tiếp, lấy khách hàng làm trung tâm, tiếp thị và quảng bá… để có được việc làm ưng ý. Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động, tăng cường tổ chức đào tạo tại chỗ cho người lao động về công nghệ thông tin, kiến thức về dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thân thiện với môi trường theo kế hoạch cả trung và dài hạn Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần rà soát, cập nhật quy định, chính sách về hỗ trợ việc làm, đánh giá, phân loại lao động; tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin về mô hình kinh doanh mới, thị trường và sản phẩm mới.
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc liên kết, hợp tác trong hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.Hồ Chí Minh cho biết, xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch, Tp.Hồ Chí Minh đã cùng nhiều tỉnh, thành liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Từ năm 2019 đến nay, Tp.Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận với năm vùng du lịch và hai thành phố là Hà Nội và Đà Nẵng, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch là một trong những nội dung cơ bản được ký kết. Triển khai các nội dung hợp tác, Sở Du lịch thành phố phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Saigontourist, cụm du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn về du lịch, với các chuyên đề về kỹ năng quản lý khách sạn nhỏ và homestay, quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương.
Không chỉ thế, nhiều cơ sở đào tạo của Tp.Hồ Chí Minh cũng đã chủ động liên kết với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long để tổ chức đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ khách sạn, lữ hành cho hàng ngàn lao động.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng khuyến nghị, để bổ sung nguồn nhân lực du lịch và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành trong giai đoạn tới, có thể mời lại những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch quay trở lại với nghề. Các địa phương cũng cần đánh giá lại thực trạng du lịch, phối hợp với các trường đào tạo xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch bền vững để có thể khôi phục lại ngành du lịch trong thời gian tới.
Triển khai những giải pháp đột phá
Để thu hút khách du lịch quốc tế trong mùa cao điểm, giúp ngành kinh tế xanh bứt phá, tại cuộc bàn tròn lữ hành toàn quốc 2022, chủ đề “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh kiến nghị toàn ngành cần tập trung làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đẩy nhanh chuyển đổi số trong du lịch, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá…
Muốn giải được những bài toán trên, ông Khánh cho rằng, yếu tố then chốt là thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương nhằm phát huy thế mạnh nổi trội của từng doanh nghiệp, từng địa phương, tạo ra sức mạnh tổng lực cho ngành du lịch.
Ông Khánh cũng đề nghị ngành du lịch tập trung làm mới các dòng sản phẩm chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…
Trước tình trạng lượng khách quốc tế còn rất khiêm tốn, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, Tp.HCM đã ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình phục hồi phát triển du lịch, tập trung liên kết và giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, đẩy mạnh thông tin quảng bá xúc tiến, khởi động lại các hoạt động hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế, trong đó liên kết và hợp tác là giải pháp quan trọng nhằm gia tăng sức mạnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Tương tự, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá truyền thống và ứng dụng chuyển đổi số để đưa sản phẩm dịch vụ du lịch đến với khách hàng một cách trực tiếp. Bởi lẽ, 100% khách du lịch quốc tế đều tìm kiếm thông tin trước khi đi du lịch, có 70% trong số đó tìm hiểu rất sâu về điểm đến để chuẩn bị tốt nhất hành trình khám phá.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist Group kiến nghị, từ nay tới cuối năm 2022, ngành du lịch cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường quốc tế có tiềm năng như Mỹ, Ấn Độ, Australia, ASEAN…
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng lưu ý các doanh nghiệp lữ hành phải là nơi liên kết giữa nhu cầu và điểm đến, thực hiện bằng cách kết nối nhiều điểm đến để tạo ra các tour tuyến mới phục vụ nhu cầu đã và đang thay đổi của dòng khách ngoại.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần có tư duy mới, hành động mới trên cơ sở nhận diện thực trạng du lịch như vừa qua. Tư duy đó cần hài hòa giữa các yếu tố “Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa và kết nối”…
Hương Anh (tổng hợp)
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-nut-that-va-giai-phap-thu-hut-du-khach-quoc-te-den-viet-nam-a565143.html