Trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Chính phủ, bà Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình cho biết, với định hướng thu hút đầu tư đúng đắn, tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, tạo sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách địa phương.
Tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Thời gian qua, nhiều dự án đã “đổ bộ” vào Ninh Bình với tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục triệu USD dù bối cảnh chung hiện hữu nhiều thách thức. Xin bà cho biết tỉnh đã thực hiện những giải pháp gì để thu hút đầu tư đạt được kết quả tương đối tích cực như vậy?
Bà Đinh Thị Thúy Ngần: Điều đầu tiên tôi muốn khẳng định là thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, trong thời gian qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Chúng tôi đã tập trung vào các trọng tâm như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội thuận lợi, điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng thời, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên đi kiểm tra, động viên các doanh nghiệp tại các khu công nghiêp, cụm công nghiệp (KCN, CCN). Định kỳ hằng tháng (vào thứ 5 của tuần cuối tháng), Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia đối thoại với doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh; công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng lợi thế, chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh ngày càng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả; đã tổ chức nhiều hội nghị tham vấn lấy ý kiến của các doanh nghiệp, doanh nhân về các chính sách, giải pháp đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững…
Từ đó, đưa ra những giải pháp, quyết sách tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp như về đất đai, quy trình thực hiện dự án đầu tư, lao động, cung cấp điện… góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp theo phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”.
Với định hướng thu hút đầu tư đúng đắn, Ninh Bình đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, tạo sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách địa phương.
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn một cách hiệu quả và thực chất như bà vừa chia sẻ thì những kết quả cụ thể thu được là gì, thưa bà?
Bà Đinh Thị Thúy Ngần: Cụ thể, chúng tôi đã thu hút được 942 dự án với tổng vốn đầu tư trên 172.000 tỷ đồng (trong đó, có 121 dự án trong các KCN, với tổng vốn đầu tư đạt trên 64.000 tỷ đồng; 373 dự án trong các CCN, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 22.000 tỷ đồng; 448 dự án ngoài các Khu, cụm công nghiệp, với tổng mức đầu tư đạt trên 86.000 tỷ đồng).
Toàn tỉnh hiện có 93 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt trên 1,5 tỷ USD (gồm: 62 dự án ngoài các KCN với tổng vốn đầu tư đạt 1,02 tỷ USD; 31 dự án trong KCN với tổng vốn đầu tư đạt 602,96 triệu USD). Một số dự án sản xuất mới có quy mô lớn đã hoàn thành, đi vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Thành Công, nhà máy sản xuất, lắp ráp camera module và linh kiện điện tử; Nhà máy sản xuất kính xây dựng CFG… đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Bình.
Qua đó, góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế duy trì được đà tăng trưởng cao, quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2022 đạt gần 82.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đặc biệt là cơ cấu trong nội tại ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng xanh, ứng dụng khoa học công nghệ và tạo ra giá trị lớn.
Đồng thời, GRDP bình quân đầu người đạt 81,5 triệu đồng (khoảng 3.500 USD/người), bằng 84,09% mức bình quân chung cả nước (khoảng 4.162 USD). Thu ngân sách tăng nhanh. Năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách và cũng là năm có tổng thu ngân sách Nhà nước lớn nhất từ trước đến nay, ước đạt 24.303 tỷ đồng, tăng 21,4% so với dự toán, đứng thứ 15 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Bốn trọng tâm chiến lược
Theo bà, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút đầu tư của Ninh Bình có những khó khăn, hạn chế nào không? Và thời gian tới đây, tỉnh sẽ thực hiện những nhiệm vụ ưu tiên gì để thu hút hơn nữa đầu tư có chọn lọc, đầu tư chất lượng cao?
Bà Đinh Thị Thúy Ngần: Trên thực tế, việc xúc tiến, thu hút đầu tư của chúng tôi vẫn còn một số tồn tại như: Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch còn hạn chế; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn chậm, chưa trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh.
Theo tôi, nguyên nhân chính là do hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất nhất là vốn, công nghệ còn hạn chế; chưa tập trung cao độ để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược mới, nhất là về đầu tư phát triển du lịch.
Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện, đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư khi nghiên cứu, đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tỉnh Ninh Bình đã chủ động xây dựng định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm phù hợp quy hoạch ngành, lĩnh vực và định hướng phát triển của tỉnh thời kỳ 2021-2030.
Chúng tôi sẽ đa dạng hóa phương thức xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong tổ chức các hoạt động xúc tiến và quản lý đầu tư, tăng cường các hoạt động hỗ trợ đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quyết tâm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư hơn nữa.
Để hiện thực hóa được những mục tiêu này, Ninh Bình đề ra 4 trọng tâm.
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, theo hướng thân thiện, đồng hành, chia sẻ.
Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; Số hóa các quy trình, thủ tục của các cơ quan hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, tạo nhiều quỹ đất sạch làm cơ sở để xúc tiến, thu hút đầu tư. Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức thực hiện; chủ động tiếp xúc vận động, kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả vào tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô, điện từ, du lịch…
Bốn là, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực nhằm nắm bắt thời cơ thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin, tạo cầu nối để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư mới đầu tư vào tỉnh./.
Trân trọng cảm ơn bà./.
Minh Ngọc