Đó là thông tin được ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết tại buổi họp báo về công bố giá điện năm 2019 do Bộ Công Thương tổ chức chiều muộn 20/3.
Từ ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng thêm 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành. Như vậy giá điện sẽ tăng từ 1.720,65 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).
Với việc tăng giá bán điện này, EVN dự kiến thu về hơn 20.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được EVN dùng để chi trả cho các chi phí đầu vào tăng thêm của việc sản xuất điện gồm: chi trả cho đối tác bán than cho điện là 7.000 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu 6.000 tỷ đồng (khoản này trả cho PVGas và PVGas nộp về ngân sách nhà nước); chênh lệch tỷ giá của nhà máy điện ngoài EVN khoảng 3.800 tỷ đồng. Ngoài ra EVN cũng thanh toán bổ sung chi phí mua dầu, chênh lệch mua điện tăng lên…
Tổng chi phí thanh toán mà EVN phải trả khoảng 21.000 tỷ đồng. Như vậy ngành điện vẫn bị âm khoảng 1.000 tỷ đồng nếu chi trả hết các đối tác.
“Khoản tiền này EVN phấn đấu giảm chi phí để tiết kiệm và sẽ được đưa vào năm 2019”, ông Đinh Quang Tri cho biết.
Phó tổng giám đốc EVN thông tin thêm năm 2018, dù rất khó khăn nhưng tập đoàn vẫn có lãi. Do đó, EVN đã xử lý 4.500 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của các năm trước đây chưa đưa vào giá điện. Việc quyết toán khoản này trong năm 2018 đã làm giảm áp lực điều chỉnh giá điện lần này.
Tăng giá điện vì giá đầu vào tăng mạnh
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), sở dĩ ngành điện tăng giá bán điện là vì năm nay giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện đã tăng khá mạnh.
Cụ thể, từ ngày 5/1/2019, giá than bán cho sản xuất điện tăng từ 2,61% – 7,67% (tùy từng loại than), làm tăng chi phí sản xuất điện thêm 3.000 tỷ đồng.
“Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, giá than được điều chỉnh ở bước hai. Giá than năm nay sẽ được điều chỉnh đồng thời với giá điện hôm nay. Than của TKV sẽ tăng 7,7%, than Đông Bắc tăng 5%. Như vậy ước tăng chi phí hơn 2.000 tỷ đồng”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, năm 2019, một số nhà máy điện của EVN và nhà máy ngoài đang phải sử dụng than trong nước trộn với than nhập ngoại. Chi phí mua than ngoại ước tính tăng thêm 1.921 tỷ đồng.
Ngoài ra năm nay cũng là năm chính thức thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường, theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, các yếu tố trên đã tác động đồng thời khiến giá than đi lên.
Với nhiên liệu khí, ông Tuấn cho biết trước ngày 20/3, chúng ta có 2 loại khí: một là loại khí trong bao tiêu áp dụng theo giá hợp đồng quy định, còn giá trên bao tiêu thì áp dụng theo thị trường.
“Theo chỉ đạo của Chính phủ, cũng cùng ngày điều chỉnh giá điện, toàn bộ khí bán cho các nhà máy điện, bao gồm cả khí trong bao tiêu và trên bao tiêu, đều thực hiện theo giá thị trường. Với giá khí như vậy, chi phí sản xuất điện ước tính tăng thêm 5.800 tỷ đồng”, ông Tuấn thông tin.
Cũng theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, trong năm nay giá điện cũng phải gánh thêm trượt tỷ giá 1,36%.
Cộng dồn các chi phí tăng thêm như trên, giá điện đã được điều chỉnh tăng thêm 8,36%.
Theo Tào Minh/Vietnam Finance