UBND tỉnh Quảng Ninh vừa giao các sở, ngành liên quan vào cuộc rà soát các dự án chậm tiến độ, nếu phát hiện phạm tội thì chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý.
Nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh
Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh trong văn bản chỉ đạo gửi một số sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh về công tác rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ vi phạm pháp luật. Theo đó, địa phương nào bỏ sót, không báo cáo đầy đủ các dự án sai phạm, vi phạm hoặc trên thực tế có sai phạm, vi phạm pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… mà không phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời thì người đứng đầu chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trước pháp luật. Đồng thời coi đây là tình tiết tăng nặng khi xem xét, xử lý trách nhiệm.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc do một số địa phương chưa thực sự tập trung hoàn thành dứt điểm công tác GPMB để bàn giao đất cho các chủ đầu tư thi công hoàn thành toàn bộ dự án.
Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…, UBND tỉnh Quảng Ninh giao UBND các địa phương chủ trì cùng các sở, ngành có liên quan tiến hành rà soát tổng thể các quy hoạch chi tiết xây dựng được tài trợ dưới mọi hình thức. Trong đó, tập trung tại các thành phố, thị xã, các khu kinh tế và các khu vực dọc các tuyến giao thông chiến lược, trọng điểm đã và đang được đầu tư.
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, trong quá trình thanh tra, giám sát các vụ việc, khi phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì yêu cầu chuyển ngay hồ sơ đến các cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điểm mặt một số dự án chậm tiến độ, bỏ hoang
Dự án Bệnh viện Quốc tế Hạ Long tọa lạc tại khu 2, phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long do Công ty TNHH Đầu tư chuyển giao công nghệ cuộc sống Hạ Long làm chủ đầu tư trên diện tích đất 37.865m2 đất.
Dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2013 với kinh phí lên đến 69 triệu USD, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2018. Tuy nhiên đến nay, công trình này mới xây dựng được 4/26 hạng mục, đang bị bỏ hoang, cỏ lau mọc um tùm xuống cấp trầm trọng gây mất mỹ quan đô thị. Dự án này bị cử tri kiến nghị tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV.
Dự án Bến cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại phường Bình Ngọc do Công ty TNHH Hương Anh làm chủ đầu tư. Theo giấy chứng nhận đầu tư thì dự án này đã chậm tiến độ gần 22 năm. Mặc dù Sở TN&MT Quảng Ninh và UBND TP. Móng Cái đã nhiều lần tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện dự án và báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh nhưng không hiểu ở thời điểm hiện tại, chủ đầu tư mới xây dựng được một số hạng mục như nhà tạm trông coi dự án và san lấp được khoảng 80% diện tích công trình quy hoạch; xây dựng 100m kè, đóng được gần 800 cọc bê tông hạng mục kè… mà chưa bị thu hồi?
Hay trên tuyến đường bao biển tuyệt đẹp Trần Quốc Nghiễn, đoạn đi qua địa bàn các phường: Hồng Hải, Hồng Hà (TP. Hạ Long), nơi có những dãy biệt thự triệu đô tuyệt đẹp. Năm 2011, khu đất “kim cương” này được chính quyền TP. Hạ Long phê duyệt quy hoạch làm Công trình dịch vụ hỗn hợp Thương mại và chung cư cao cấp, với tên thương mại là The Bay View Tower. Mãi đến năm 2016, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thái Anh (nay là Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thái Anh) đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đối với dự án công trình Dịch vụ hỗn hợp thương mại dịch vụ và chung cư cao cấp The Bay View Tower tại phường Hồng Hà, TP.Hạ Long. Không hiểu vì sao mà thời gian đầy đây, phía ngoài khu đất này lại được thay tên mới và quảng cáo rầm rộ trên mạng internet với cái tên mới: Công ty cổ phần xây dựng và bất động sản SEA LAND; tên thương mại “Wonder SEA”. Trước sự việc này tháng 01/2021, Sở Xây dựng Quảng Ninh đã yêu cầu đơn vị này dừng ngay việc quảng cáo là chủ đầu tư dự án nói trên, tháo dỡ các biển quảng cáo vi phạm và phải có văn bản thông báo, đính chính các nội dung quảng cáo chưa đúng nhưng đến nay dự án vẫn được quây tôn, cỏ mọc hoang hoá không có bất kỳ sự thay đổi nào.
Cách dự án The Bay View Tower (hay Wonder SEA) khoảng 05km, nằm liền kề với các cụm công trình Thư viện – Bảo tàng Quảng Ninh là Dự án Khách sạn Sheraton Hạ Long Bay (P.Hồng Hải, TP.Hạ Long, Quảng Ninh). Chủ đầu tư dự án Sheraton Hạ Long Bay ban đầu là CTCP Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long.
C.L.U.B.M Hạ Long được thành lập vào tháng 8/2015, có trụ sở chính tại dự án Sheraton Hạ Long Bay. Thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập gồm CTCP Thể thao và Giải trí C.L.U.B.M (nắm 51%); ông Vũ Duy Thành (44%) và ông Lê Quốc Hưng (5%).
Dự án Khách sạn Sheraton Hạ Long Bay được khởi công xây dựng ngày 10/10/2015, trên diện tích hơn 4,7ha, với tổng mức đầu tư gần 40 triệu USD với quy mô xây dựng là 265 phòng 5 sao; 68 căn hộ cho thuê; trung tâm mua sắm, tổ hợp chăm sóc sức khỏe, nhà hàng, dịch vụ giải trí, ăn uống, tổ chức sự kiện… và dự kiến đi vào hoạt động năm 2017. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư lại yêu cầu lùi thời gian đi vào hoạt động sang năm 2018.
Tháng 02/2017, C.L.U.B.M Hạ Long đã ký kết hợp tác thi công dự án Sheraton Hạ Long Bay với CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, tổng giá trị hợp đồng là 1.650 tỷ đồng.
Khởi công nhưng không được thực hiện, đến tháng 9/2017, Phòng Tài chính – Kế hoạch TP. Hạ Long đã từng thông báo mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án Sheraton Hạ Long Bay với tổng chi phí 1.600 tỷ đồng.
Ở đợt đấu thầu này, C.L.U.B.M Hạ Long là doanh nghiệp duy nhất tham gia ứng tuyển và đáp ứng yêu cầu hồ sơ, do đó đã được tỉnh chỉ định là nhà đầu tư dự án.
Mặc dù đã phải đấu thầu lại, song đến nay dự án vẫn không thể triển khai. Được biết, ngày 31/8/2021, tỉnh Quảng Ninh đã thông báo đấu giá tìm nhà đầu tư mới thực hiện dự án. Ở lần công bố trúng đấu giá cuối tháng 11/2021, Công ty cổ phần khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long tiếp tục là đơn vị trúng đấu giá với mức hơn 354 tỉ đồng. Như vậy, qua 02 lần tìm nhà đầu tư (vào các năm 2017 và 2021) thì lần nào khu “đất vàng” này cũng thuộc về tay Công ty cổ phần khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long.
Nằm bên mặt tiền QL18, là Dự án Trung tâm thương mại và chợ Hạ Long III (P.Hồng Hải, TP. Hạ Long), được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận cho Tập đoàn Nguyễn Kim đầu tư ngày 22/01/2014. Năm 2015, UBND TP. Hạ Long ban hành Quyết định số 2917/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, tỉ lệ 1/500. Theo quy hoạch, dự án là quần thể thống nhất với diện tích gần 10.000m2 gồm khu trung tâm thương mại và chợ truyền thống Hạ Long III. Đến ngày 23/11/2015, dự án chính thức được khởi công và theo cam kết của chủ dự án, toàn bộ công trình sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng 12/2016. Đến tháng 10/2018, chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch dự án theo hướng bổ sung chức năng khách sạn vào dự án. Chủ đầu tư cũng cam kết chậm nhất đến 31/12/2020, sẽ đưa dự án hoạt động. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn quây tôn thành bãi cỏ hoang um tùm.
Việc dự án chậm tiến độ có thể do nhiều yếu tố, khách quan có, chủ quan cũng có. Tuy nhiên thực tế có không ít chủ đầu tư “ôm” những mảnh đất có vị trí đắc địa, xây dựng cầm chừng để không bị thu hồi sẽ gây lãng phí, mất mỹ quan. Thực tế trong thời gian gần đây, Nhiều địa phương đang có nhiều động thái mạnh tay trong việc xử lý dự án chậm tiến độ. Đây là cơ sở để sử dụng nguồn tài nguyên hợp lí hơn. Hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án “treo”, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất đắc địa, từ đó gây ra rất nhiều hệ lụy như các dự án, khu đô thị nằm chờ cả thập kỷ, gây lãng phí nguồn tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng và xáo trộn đến cuộc sống của người dân.
Dù pháp luật đã có những quy định để xử lý những vấn đề trên nhưng để giả quyết triệt để cần có sự đồng bộ giữa những đạo luật khác nhau như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, từ đó nội dung áp dụng quy định có tính xuyên suốt. Các văn bản pháp luật cũng cần quy định cụ thể trách nhiệm của địa phương nếu trên địa bàn có dự án chậm tiến độ sau nhiều năm mà không kiến nghị thu hồi.
PV