Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng liên quan đến kinh tế như việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
Trong phiên bế mạc ngày 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó các nội dung liên quan đến kinh tế.
Quốc hội xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về: Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Quốc hội đã thông qua 04 nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
“Một só chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế năm 2019:
– Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%;
– Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%;
– Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%;
– Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%;
– Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP
Xem xét các báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia.
Quốc hội cũng giao Chính phủ triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đáng chú ý, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với 100% đại biểu có mặt ủng hộ. Đây được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại.
Với Việt Nam, CPTPP sẽ tác động rất lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới một cách phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước…
Theo Liên Hương/Thương Gia