Sau giao dịch chuyển đổi trái phiếu thành 19,5 triệu cổ phiếu FCN của CTCP Tập đoàn Fecon (mã: FCN), Raito Kogyo đã chính thức trở thành cổ đông lớn của công ty với sở hữu 17,13%.
Được biết, 19,5 triệu cổ phiếu FCN này là do Raito Kogyo được chuyển đổi từ hai lô trái phiếu chuyển đổi mà nhà đầu tư này đã mua lại từ Japan South East Asia Growth Fund (JSEAG, thuộc Ngân hàng phát triển Nhật Bản (DBJ). Vào năm 2016, JSEAG đã mua số trái phiếu chuyển đổi của FECON với tổng giá trị 500 tỉ đồng cùng 3 nhà đầu tư khác là Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), Mutual Fund Elite (Non-UCITS) và Vietnamholding Limited. Riêng JSEAG đã giải ngân vào 2 lô trái phiếu với tổng giá trị khoảng 328 tỉ đồng.
Hai lô trái phiếu do JSEAG sở hữu và chuyển nhượng lại cho Raito Kogyo có ngày đáo hạn là 21/4/2019, đã được chuyển đổi thành cổ phiếu FCN. Ngày thay đổi sở hữu cổ đông lớn của Raito Kogyo tại Fecon là ngày 28/5/2019.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu FCN lình xình đi ngang ở mức 14.250 đồng/CP đóng cửa phiên 31/5/2019, giảm 10,7% so với hồi đầu tháng 3. Nhưng giá cổ phiếu FCN hiện tại vẫn tăng 12,6% so với vùng đáy hồi tháng 1/2019.
Như vậy, lô trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu FCN của Raito Kogyo hiện có giá trị khoảng 278 tỉ đồng, giảm 50 tỉ đồng so với số vốn đã giải ngân mua lô trái phiếu.
Với việc chuyển đổi thành công 19,5 triệu cổ phiếu FCN cho trái chủ, tổng cổ phần niêm yết của Fecon trên HoSE hiện là 113.847.742 cổ phiếu với tổng giá trị niêm yết là hơn 1.138 tỷ đồng, bắt đầu từ ngày 4/6/2019.
Trước đó, ngày 4/4/2019, Fecon và Raito Kogyo ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với việc nắm sở hữu 19% vốn điều lệ công ty FECON mẹ (FCN). Raito Kogyo sẽ cần gom thêm 2,5 triệu cổ phiếu FCN để nâng mức sở hữu lên trên 19% vốn FECON như thoả thuận.
Ngoài ra, Raito Kogyo cũng cam kết đầu tư mua hơn 9,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 36% vốn điều lệ) của CTCP Công trình ngầm FECON (FCU) thuộc Fecon. Với việc mua cổ phần 2 công ty này, Raito Kogyo nhắm tới thị phần xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cống ngầm, nhiệt điện và năng lượng tại Việt Nam. Hiện, Nhật Bản cũng là đối tác cấp vốn ODA lớn cho các dự án giao thông tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Về kết quả kinh doanh, năm 2019, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.200 tỉ đồng, tăng trưởng 47% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến là 356 tỉ đồng tăng 43%.
Trong quý 1, công ty ghi nhận doanh thu 409,1 tỉ đồng, tăng 34% so với thực hiện cùng kỳ 2018 và lợi nhuận sau thuế 30,2 tỉ đồng, tăng 30%.
Theo Nam Dương/Kinh tế môi trường