Home Ngân hàng Saigonbank ra sao dưới sự chèo lái của “thuyền trưởng” Vũ Quang...

Saigonbank ra sao dưới sự chèo lái của “thuyền trưởng” Vũ Quang Lãm?

0

Dưới thời ông Vũ Quang Lãm làm Chủ tịch, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận từ 100 – 200 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, vốn điều lệ và tổng tài sản của ngân hàng vẫn tăng tương đối chậm.

Sự chuyển giao quyền lực

Ông Vũ Quang Lãm sinh ngày 5/9/1969, trình độ chuyên môn Tiến sĩ kinh tế, Cao cấp Lý luận Chính trị – Hành chính.

Từ tháng 09/1990 – 06/1992, ông Lãm là kế toán Công ty Phát triển nhà quận 1. Từ năm 1992 đến 2017, ông đảm nhiệm các chức vụ Phó phòng Kế hoạch Xí nghiệp chế biến hàng Xuất khẩu Tân Thuận;

Chuyên viên phòng Đầu tư sửa chữa, Phó trưởng phòng Ngân sách, Trưởng phòng Đầu tư sửa chữa – Sở Tài chính Tp.Hồ Chí Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp.Hồ Chí Minh.

Từ tháng 4/2017 đến nay ông Lãm giữ chức cán bộ đại diện vốn Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh Nhà phú Nhuận.

Chủ tịch HĐQT Saigonbank Vũ Quang Lãm.

Từ tháng 6/2017 – 6/2018, ông Lãm là Thành viên HĐQT, đại diện quản lý vốn góp của các cổ đông Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận, kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank – UPCoM: SGB).

Từ 06/2018 – 10/2019, ông Lãm là thành viên Hội đồng quản trị đảm nhiệm công việc của Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank thay cho ông Phạm Văn Thông.

Ông Phạm Văn Thông từng là Phó Chánh văn phòng Thành uỷ Tp.HCM, và cũng chỉ mới ngồi “ghế” Chủ tịch SaigonBank chưa đầy 1 năm (từ tháng 6/2017) thay cho ông Trần Quốc Hải.

Tuy nhiên sau đó, theo thông báo của Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ Tp.HCM, ông Thông cùng Chánh văn phòng bà Thái Thị Bích Liên và nhiều lãnh đạo Thành uỷ Tp.HCM khác đã bị kỷ luật do sai phạm.

Đến tháng 10/2019, ông Lãm chính thức giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Saigonbank và đảm nhiệm từ đó đến nay.

Cùng với những biến động về nhân sự, cổ đông lớn của Saigonbank cũng lần lượt rời đi. CTCP Điện tử Biên Hòa (Belco) đã đăng ký tổ chức bán đấu giá toàn bộ gần 1,5 triệu cổ phiếu Saigonbank (tương ứng 0,49% vốn điều lệ) vào đầu năm 2020. Hai ngân hàng là Vietcombank và VietinBank cũng đã dần thoái bớt vốn rồi tiến đến thoái toàn bộ vốn.

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, hiện Văn phòng Thành uỷ Tp.HCM đang có 61,6 triệu cổ phiếu SGB, tương đương 18,18% vốn và Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận đang có gần 56,4 triệu cổ phần, tương đương 16,64% vốn ngân hàng.

Saigonbank đi chậm liệu có chắc?

Về Saigonbank, đây được giới thiệu là ngân hàng đầu tiên được thành lập trong hệ thống Ngân hàng cổ phần tại Việt Nam hiện nay, ra đời năm 1987 với vốn điều lệ ban đầu là 650 triệu đồng.

Như đã đề cập tronh bài viết “Rục rịch chuyển sàn niêm yết, Saigonbank nắm gì trong tay?”, dù được thành lập từ sớm nhưng quy mô vốn điều lệ của Saigonbank hiện nay vẫn chỉ thuộc top thấp nhất trong số 28 ngân hàng thương mại. Đồng thời, việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng này cũng khá chậm chạp.


Về tình hình kinh doanh, ghế nóng vừa đổi chủ, tại báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 đã soát xét của Saigonbank đã cho thấy các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh nửa đầu năm của ngân hàng này khá ảm đạm. Hầu hết các chỉ tiêu đều khá tiêu cực.

Tổng tài sản hợp nhất tại ngày 30/6/2018 là 20.724 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm, cho vay khách hàng và tổng huy động tiền gửi đều giảm.

Một chỉ tiêu đáng chú ý khác của ngân hàng này là nợ xấu đã tăng vượt ngưỡng 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước lên mức 6,46%.

Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 8 lần từ 25 tỷ lên 200 tỷ, nợ nhóm 4 (nợ cần chú ý) tăng 3 lần từ 77 tỷ đồng lên 237 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 45% lên mức 458,8 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2018, Saigonbank báo lãi ròng năm 2018 chỉ đạt gần 42 tỷ đồng, giảm 24% so với năm trước. Đến năm 2019, tình hình đã khả quan hơn khi ngân hàng báo lãi sau thuế tăng gấp 3,5 lần năm trước lên gần 145 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận này chủ yếu đến từ việc ngân hàng đã mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 1,7 lần xuống còn 197 tỷ đồng. Đến năm 2020, khoản lợi nhuận của Saigonbank đã giảm 1,5 lần so với năm trước xuống 97 tỷ đồng.

Năm 2021, lợi nhuận của ngân hàng quay lại mốc trên 100 tỷ đồng và đạt 267 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Tổng tài sản của Saigonbank cũng tăng trưởng đều đặn qua các năm tuy nhiên không có sự tăng trưởng đột phá. Kết thúc năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 31.501 tỷ đồng.

So với PGBank có cùng quy mô vốn điều lệ, kết thúc năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng này đã ở mức 55.491 tỷ đồng hay BaoVietBank chưa niêm yết đã có tổng tài sản 84.645 tỷ đồng.

Kết thúc quý II/2024, Saigonbank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 225 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.

Tất cả mảng hoạt động đều cho thấy sự thụt lùi trong khi chi phí hoạt động lại tăng 6% so với cùng kỳ lên 142 tỷ đồng dẫn đến lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 9% xuống còn 120 tỷ đồng.

Nhờ tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng 2,45 lần so với cùng kỳ xuống gần 22 tỷ đồng, Saigonbank báo lãi trước thuế tăng 24% so với cùng kỳ lên 98 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng tăng 45,8% lên gần 70 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, Saigonbank ghi nhận thu nhập lãi thuần 409 tỷ đồng, giảm 11,85. Ngân hàng thu lãi ròng trước thuế 166 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 133 tỷ đồng, giảm 9,55 so với 6 tháng đầu năm 2023.

Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản Saigonbank ghi nhận ở mức 32.413 tỷ đồng, nhích nhẹ 2,8% so với đầu năm. Cho vay khách hàng là 20.121 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với thời điểm cuối năm 2023.

Về chất lượng nợ vay, cuối tháng 6/2024, tổng nợ xấu của Saigonbank là hơn 519 tỷ đồng, tăng 28% so với mức 404 tỷ đồng hồi đầu năm. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,03% năm trước lên 2,55%.

Đã có thời điểm, mức nợ xấu của ngân hàng ở dưới mức 2%. Năm 2019, tổng nợ xấu của Saigonbank là 256 tỷ đồng, tỉ lệ 1,76%. Đến năm 2020, nợ xấu của ngân hàng giảm về mức 223 tỷ đồng, tỉ lệ 1,44%.

Năm 2021, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn chỉ ở mức 1,97% và chính thức vượt 2% vào cuối năm 2022.

Đáng chú ý, ngoài khoản nợ xấu nội bảng, thời điểm 2019, Saigonbank vẫn còn 570 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành và năm 2020 là 522 tỷ đồng. Năm 2022, giá trị số trái phiếu trên đã tăng lên mức 603 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2023, mức này đã giảm mạnh 2,9 lần xuống còn 206 tỷ đồng và kết thúc 6 tháng đầu năm 2024 đã giảm về hơn 199 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Thu Hương/Người Đưa Tin