Home Ngân hàng Sang tháng 9, người dân nên gửi tiền ở ngân hàng nào...

Sang tháng 9, người dân nên gửi tiền ở ngân hàng nào để có lãi cao?

0

Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng và được dự báo sẽ còn tăng cao hơn trong những tháng cuối năm, áp lực tăng lãi suất cho vay là hiện hữu.

Khảo sát của Người Đưa Tin về biểu lãi suất tháng 9/2022 niêm yết trên trang web chính thức của các ngân hàng cho thấy lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên cả kênh gửi trực tuyến và gửi tại quầy đều đang có xu hướng tăng so với hồi đầu tháng trước. Có ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất tới gần 1%/năm.

Loạt ngân hàng tăng lãi suất từ cuối tháng 8

Ngay từ cuối tháng 8, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Biểu lãi suất mới nhất của Ngân hàng thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm tại một số kỳ hạn.

Khách hàng khi gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên với kỳ hạn 6 tháng cho gói “Tài lộc” hay gói “Chọn sống mới, trọn chất tôi” sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,1% so với trước đó, lên 6,1-6,2%/năm.

Ngân hàng thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cũng tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng thêm tới 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng của MB cũng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm lên các mức 5,3%/năm và 6,1%/năm. Đối với kỳ hạn ngắn 3 tháng, MB tăng lãi suất thêm 0,2%/năm lên thành 3,8%/năm.

Ngân hàng thương mại Cổ phần Nam Á (NamABank) mới đây đã tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng thêm 0,3%/năm lên mức 6,9%/năm.

Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng lên lần lượt là 5,4%/năm, 6%/năm và 6,4%/năm.

Tại Ngân hàng thương mại Cổ phần Bắc Á (Bac A Bank), lãi suất tiền gửi các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng đều tăng nhẹ 0,1%/năm lên thành 4%/năm. Tương tự với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng tăng 0,1%/năm lên dao động từ 6,9-7%/năm. Còn với kỳ hạn 6-7 tháng, Bac A Bank điều chỉnh tăng thêm 0,15% đưa lãi suất tiết kiệm lên 6,5%/năm.

Hay từ ngày 15/8, Ngân hàng số VPBank cũng áp dụng mức lãi suất gửi tiết kiệm dưới 50 triệu đồng cho kỳ hạn 3 tháng là 3,9%, 6 tháng được 6,6%; 12 tháng lên tới 7,2%, tăng lần lượt là 0,1%, 0,3% và 0,4% so với lần điều chỉnh trước đó.

Như vậy, lãi suất 7%/năm đã không còn hiếm trên thị trường. Những nhà băng niêm yết lãi suất từ mức này có thể kể đến VietABank, Kienlongbank, CBBank, OceanBank, VietCapitalBank, SCB, NamABank, BacABank, VietBank… Đây hầu hết là những ngân hàng nhỏ trong hệ thống. Ngoài ra, mức lãi suất cũng được áp dụng tùy kỳ hạn tại mỗi ngân hàng.

Ở kỳ hạn 12 tháng, nhóm ngân hàng “Big 4” có vốn Nhà nước ghi nhận biểu lãi suất hình thức online trong khoảng từ 5,6-5,8%/năm, gửi tại quầy đồng loạt là 5,6%/năm. Chỉ 3 ngân hàng gửi kỳ hạn 12 tháng vẫn được hưởng lãi suất trên 7%/năm là CCBank, SCB, NamABank.

Khảo sát của Người Đưa Tin cho thấy, CBBank vẫn là nhà băng có lãi suất cao nhất hiện tại, lên tới 7,55%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên khi khách hàng gửi hình thức online. Ngoài ra, kỳ hạn 12 tháng của CBBank cũng ở mức 7,5%/năm nếu gửi online, gửi tại quầy là 7,45%/năm.

Lãi suất sẽ biến động ra sao?

Trong báo cáo mới cập nhật, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 và sang cả năm 2023 do dư địa tín dụng hạn hẹp, lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỉ giá và kiềm chế lạm phát.

VDSC đánh giá các loại lãi suất trên thị trường đều đã tăng trừ lãi suất điều hành. “Do lãi suất điều hành mang tính định hướng nên việc tăng mạnh lãi suất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023. Tuy nhiên, nếu kiềm giữ lãi suất điều hành thì áp lực từ bên ngoài vẫn rất lớn”, VDSC nhận định và cho rằng, lạm phát nếu kiểm soát được ở mức 4% sẽ là tiền đề thuận lợi cho triển vọng lãi suất và ngược lại.

Tài chính - Ngân hàng - Sang tháng 9, người dân nên gửi tiền ở ngân hàng nào để có lãi cao?
Việc cạn “room” tín dụng được cho là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng phải tăng huy động đầu vào để có nguồn vốn cho vay đầu ra.

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI lại đánh giá đánh giá áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm nay là hiện hữu, nếu hạn mức tín dụng được nới. Việc cạn “room” tín dụng được cho là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng phải tăng huy động đầu vào để có nguồn vốn cho vay đầu ra.

Một số ngân hàng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, do mức trần tỉ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34% và cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm.

Các chuyên gia của SSI dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5-0,7% trong 2 quý cuối năm và cả năm 2022 tăng 1-1,5%/năm.

Công ty Cổ phần Chứng khoán ACB (ACBS) cũng dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 0,5%, để bổ sung nguồn vốn trong nửa cuối năm nay. Con số trên cũng được đưa ra trên giả định các ngân hàng thương mại được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh cho vay vào dịp cuối năm.

Trần Thu Thảo

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/sang-thang-9-nguoi-dan-nen-gui-tien-o-ngan-hang-nao-de-co-lai-cao-a567877.html