Dự án Bệnh viện Đa khoa tư nhân Ngọc Tâm (Bệnh viện Ngọc Tâm) tại quận 2 (cũ) nay là TP.Thủ Đức (TP.HCM) của “đại gia” Đặng Phước Dừa sau 14 năm chỉ là bãi đất trống, rác rếnh luộm thuộm…
Ông Đặng Phước Dừa cùng hệ thống doanh nghiệp liên quan đến gia đình “đại gia” này nổi tiếng trong việc chây ì và để xảy ra hàng loạt sai phạm tại một số địa phương trong thời gian qua. Như dự án Khu dân cư A1-C1 (Đô thị Dầu Giây) tại Đồng Nai của Công ty Phú Việt Tín làm chủ đầu tư cũng để xảy ra nhiều sai phạm và chậm tiến độ, đến nay vẫn chưa thể hoàn thành dự án; ông Đặng Phước Dừa là Chủ tịch HĐTV Công ty Phú Việt Tín.
Với Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm, mặc dù kéo dài 14 năm, được 3 lần vay vốn với tổng số tiền hơn 220 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ là khu đất trống. Ngoài ra, ông Đặng Phước Dừa còn bán lại dự án cho công ty của con gái với giá 0 đồng,…
Dự án bệnh viện thành nơi đổ rác
Ngày 26/4/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 515/QĐ-TTg về việc giao đất cho Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính dự án Khu dân cư 174ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 cũ, nay thuộc TP.Thủ Đức). Sau khi thực hiện xong sẽ được bàn giao cho UBND TP.HCM giao đất, cho thuê đất với các tổ chức có chức năng đầu tư các dự án thành phần theo quy hoạch được duyệt.
Năm 2006, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Đặng Trần (Công ty Đặng Trần) đầu tư xây dựng bệnh viện bên trong khu đất 174ha. Đồng thời bàn giao hơn 32.000m2 cho doanh nghiệp này, thời gian giao đất 50 năm kể từ ngày ký quyết định, nghĩa vụ tài chính phải nộp hơn 22 tỷ đồng và đã cấp sổ đỏ.
Sau đó, Công ty Đặng Trần đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín (Công ty Việt Tín) vào năm 2007. Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm được Bộ Y tế thông qua vào năm 2008 với quy mô 500 giường. Một năm sau đó, UBND TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Việt Tín để thực hiện dự án, dự án sẽ hoạt động chính thức từ tháng 10/2010, quá thời hạn này thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư có quyền chấm dứt hoạt động của dự án, trừ trường hợp được tạm ngưng hoặc gia hạn tiến độ theo quy định.
Công ty Việt Tín sau đó đã tiến hành thi công ép cọc và đã hoàn thành xong vào tháng 10/2009. Tuy nhiên, sau khi thực hiện công việc này, kể từ đó đến nay, chủ đầu tư không thực hiện thêm bất kỳ hạng mục nào khác.
Theo ghi nhận của Ngày Nay, khu đất thực hiện Bệnh viện Ngọc Tâm nằm ở vị trí rất đẹp, ở ngay trung tâm Khu dân cư 174ha, tiếp giáp 4 tuyến đường lớn là Nguyễn Địa Lô, Trương Văn Bang, Nguyễn Bá Vành và Nguyễn Văn Kỉnh. Tuy nhiên, 14 năm qua, khu đất này đến nay gần như vẫn là khu đất trống, trở thành nơi đổ rác của người dân, bên trong cây, cỏ dại mọc kín, che lấp cả phần ép cọc đã thi công trước đó.
Bán dự án cho công ty của con gái với giá 0 đồng
Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm (Công ty Ngọc Tâm) được thành lập vào năm 2007, vốn điều lệ 210 tỷ đồng do bà Đặng Phước Thủy Tiên làm Chủ tịch HĐQT. Bà Tiên cũng chính là con gái của ông Đặng Phước Dừa – Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Tín hiện nay.
Năm 2009, Công ty Việt Tín đã ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất với Công ty Ngọc Tâm (Công ty Ngọc Tâm), giá trị quyền sử dụng đất được tính là 105 tỷ đồng, thời hạn góp vốn là 47 năm.
Năm 2012, Công ty Việt Tín đã chuyển nhượng toàn bộ dự án bệnh viện cho Công ty Ngọc Tâm với giá 0 đồng. Cũng trong năm này, UBND TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thay đổi lần 1 với nội dung thay đổi nhà đầu tư do chuyển nhượng. Tiến độ thực hiện dự án được cập nhật như sau: Giai đoạn 1 hoàn thành vào tháng 6/2014, giai đoạn 2 hoàn thành vào tháng 6/2016 và Giai đoạn 3 hoàn thành vào tháng 6/2018, chính thức đưa dự án vào sử dụng. Chậm tiến độ quá 12 tháng, dự án sẽ chấm dứt hoạt động, trừ trường hợp được cơ quan chức năng chấp thuận tạm ngưng hoặc giãn tiến độ thực hiện.
Dù việc chuyển nhượng này đã được cơ quan chức năng chấp thuận và cập nhật biến động, thay đổi tên trên sổ đỏ. Nhưng bằng một cách nào đó, năm 2013, Công ty Việt Tín tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng lại quyền sử dụng khu đất cho Công ty Ngọc Tâm với giá 65 tỷ đồng.
Vay hàng trăm tỷ từ ngân hàng nhưng sử dụng vào việc khác?
Sau lần chuyển nhượng này, Công ty Ngọc Tâm đã nhiều lần thế chấp để vay vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Lần thứ nhất vào tháng 1/2014 với số tiền 150 tỷ đồng, đến tháng 11/2014, doanh nghiệp này tiếp tục được Sacombank cho vay 55 tỷ đồng, thế chấp bằng quyền sử dụng khu đất nói trên.
Năm 2016, sau khi xác minh hiện trạng dự án gần như không được triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có thông báo sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty Ngọc Tâm. Ngày 9/5/2016, doanh nghiệp này đã gửi văn bản đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị điều chỉnh tiến độ, rút ngắn tiến độ còn 18 tháng, theo đó sẽ hoàn thành toàn bộ dự án đến tháng 6/2018.
Tuy nhiên, khi chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư đồng ý điều chỉnh thì cùng ngày 9/5/2019, Công ty Ngọc Tâm tiếp tục thế chấp khu đất cho Sacombank để vay thêm 68 tỷ đồng. Sau 3 lần thế chấp, Sacombank đã cho Công ty Ngọc Tâm vay tổng cộng 223 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là, dù khu đất được phê duyệt thực hiện bệnh viện, nhưng số tiền vay Công ty Ngọc Tâm đã sử dụng vào mục đích gì khi dự án hoàn toàn không được triển khai.
Theo các văn bản về đề nghị thay đổi tiến độ thực hiện dự án của Công ty Ngọc Tâm, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, doanh nghiệp này đề nghị rút ngắn tiến độ dự án nhưng không làm rõ tính khả thi cũng như cung cấp các tài liệu chứng minh. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư không có cơ sở xem xét đề nghị này, đồng thời Sở không nhận được đơn xin tạm ngưng hoặc giãn tiến độ từ chủ đầu tư. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND TP.HCM chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty Ngọc Tâm.
Đồng thời hàng năm, UBND quận 2 cũ vẫn thường xuyên kiểm tra dự án và nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở Công ty Ngọc Tâm sớm triển khai, nhưng doanh nghiệp này vẫn chây ì không chịu thực hiện dự án.
Ngày 29/11/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có Kết luận Thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất tại dự án Bệnh viện Ngọc Tâm. Trong đó chỉ ra nhiều sai phạm của doanh nghiệp này trong việc chậm triển khai dự án, dù đã nhiều lần vay tiền ngân hàng tổng số 223 tỷ đồng nhưng không đầu tư xây dựng bệnh viện, thể hiện việc không có ý định thực hiện dự án.
Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi khu đất đã cấp cho Công ty Ngọc Tâm, giao Trung tâm phát triển quỹ đất lập thủ tục quản lý khu đất theo quy định. Đồng thời thông báo đến Ngân hàng Sacombank về việc thu hồi khu đất.
Để có thông tin khách quan, Tạp chí Ngày Nay đã liên hệ đến UBND TP.HCM và Ngân hàng Sacombank và đang trong thời gian chờ phản hồi.
Xuân Thọ – Khắc Thành
Link nguồn: https://ngaynay.vn/sau-14-nam-du-an-benh-vien-ngoc-tam-cua-dai-gia-dang-phuoc-dua-chi-la-khu-dat-trong-post122879.html