Bộ Công Thương công bố kết quả điều tra vụ Grab thâu tóm Uber; Hà Nội dự kiến mỗi năm thu 250 triệu USD thuế từ trường đua ngựa; Xuất siêu kỷ lục 7,4 tỷ USD sau 11 tháng… là nội dung chú ý tuần qua.
Bộ Công Thương kết luận vụ Grab thâu tóm Uber. Ảnh minh họa
Bộ Công Thương công bố kết quả điều tra vụ Grab thâu tóm Uber
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) cho biết, ngày 18/11, Cục này đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam (vụ việc cạnh tranh).
Cùng ngày, Cục trưởng Cục CT&BVNTD đã ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh.
Cụ thể, căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục CT&BVNTD đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm.
Hành vi vi phạm thứ nhất của Grab là không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh. Hành vi vi phạm thứ hai được cho là “tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh”.
Ngay sau đó, Grab đã lập tức đưa ra phản hồi trước thông tin trên. Ông Jerry Lim – Giám đốc Grab tại Việt Nam cho biết, Grab đã tiến hành giao dịch này với sự tin tưởng rằng việc thực hiện giao dịch là không vi phạm pháp luật về cạnh tranh sau khi tham vấn cẩn thận các chuyên gia pháp lý.
Theo đại diện Grab, điểm mấu chốt có thể nằm ở sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và của Grab về thị trường liên quan, cũng như những đặc điểm cấu thành một thị trường cạnh tranh.
Grab lý giải, các ứng dụng gọi xe chỉ là một trong nhiều lựa chọn của khách hàng. Bên cạnh Grab và Uber, khách hàng luôn có thể xem xét quyết định, lựa chọn sử dụng nhiều hình thức vận chuyển khác để di chuyển từ điểm này đến điểm khác, bao gồm: Gọi taxi, vẫy taxi trên đường hay sử dụng các ứng dụng gọi xe khác. Trong khi, các tài xế cũng có quyền chuyển sang tham gia các công ty khác nếu các điều kiện phổ biến như giá cả, thu nhập không còn phù hợp với họ.
Đơn vị này cũng cho biết, dựa trên kết quả thăm dò thị trường, hơn 59% người dùng dịch vụ đặt ôtô và 62% người dùng dịch vụ đặt xe máy sẽ chuyển sang dịch vụ vận tải khác nếu giá cước tăng 10%. Do vậy, quyền lựa chọn luôn thuộc về khách hàng, đặc biệt là khi họ có thể biết trước giá của cuốc xe trước lúc quyết định có đặt một chuyến xe qua ứng dụng Grab hay không.
Bên cạnh đó, theo Tổng giám đốc Grab tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cung cấp ứng dụng vẫn đang tiếp tục tham gia vào thị trường trong nước. “Họ sẽ không làm như vậy, nếu không tin chắc rằng mình có cơ hội thành công. Một tân binh mới đây cũng đã công bố chiếm thị phần cao – chứng tỏ không có doanh nghiệp nào đang giữ vị trí thống lĩnh thị trường”, Jerry Lim cho hay.
Hiện, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã gửi báo cáo và kết luận điều tra, cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định, gồm trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh và mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Xuất siêu kỷ lục 7,4 tỷ USD sau 11 tháng
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu thống kê tình hình xuất nhập khẩu trong nửa cuối tháng 11 và tổng hợp 11 tháng đầu năm.
Xuất siêu đạt con số ấn tượng sau 11 tháng. Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11 (từ ngày 16/11 đến 30/11/2018) đạt 21,64 tỷ USD, giảm 35 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 11/2018.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 11 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng đạt hơn 440 tỷ USD, tăng gần 52 tỷ USD (tương đương 13,3%) so với cùng kỳ 2017.
Tính đến hết tháng 11, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 223,72 tỷ USD, tăng 14,5% với tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 216,31 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017. Qua đó cán cân xuất nhập khẩu ghi nhận mức thặng dư trong 11 tháng đạt hơn 7,4 tỷ USD. Con số này gấp 2,5 lần so với số liệu xuất siêu cả năm 2017.
Cũng theo số liệu vừa công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 288,51 tỷ USD, tăng 13,2%; trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 151,53 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Cảnh báo vay trực tuyến đang xuất hiện nhiều biến tướng
Theo Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tại Việt Nam bên cạnh ngân hàng, các công ty tài chính, vài năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình cho vay trực tuyến, thường được biết đến với tên gọi “vay tiền nhanh online”, “vay tiền không thế chấp” hay “vay tiền không cần gặp mặt”…
Bộ Công Thương cảnh báo khi vay tiêu dùng trực tuyến. Ảnh minh họa
Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay.
Theo đó, tùy vào mô hình mà người vay có thể xác định người cho vay là đối tác của một công ty tư vấn như mô hình của ATMonline.vn, clickvay.vn, doctordong.com; monily.vn… Nhưng cũng có trường hợp người đi vay không biết người cho vay là ai do giao dịch trên một hệ thống của công ty tư vấn như tima.vn; vaymuon.vn.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay do phần lớn giao dịch được thực hiện online các thông tin người vay cung cấp có thể không được sử dụng đúng mục đích.
Trong đó, có một số mục đích sử dụng đặc thù như để kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua mạng xã hội, hoặc liên hệ thực hiện nhắc/thu nợ thông qua số điện thoại người thân, đồng nghiệp…
Vì vậy, trước khi cung cấp các thông tin cá nhân, người dân cần nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty để hiểu rõ phạm vi và mục đích sử dụng. Tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, dễ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân và gia đình.
Với các khoản vay trực tuyến, trước khi chấp nhận vay tiền, người dân cần hiểu rõ các nội dung liên quan đến giao dịch như cách giải ngân, thông tin người cho vay, lãi suất…
Với một số mô hình cho vay trực tuyến, công ty tư vấn lại hợp tác với các tiệm cầm đồ. Vì vậy, người dân sẽ phải ký thêm hợp đồng cầm đồ với đơn vị liên quan để thực hiện giải ngân.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết một số đơn vị sẽ tính thêm các chi phí như phí tư vấn, quản lý khoản vay… khiến lãi thực tăng lên rất nhiều.
Vì vậy, người dân nên tìm hiểu xem phải trả cụ thể bao nhiêu tiền, gồm những khoản gì, cách thức tính, thanh toán và thời hạn trả…
Cũng theo ghi nhận từ đơn vị này, chi phí vay trực tuyến khá cao so với mặt bằng cho vay tại các đơn vị tổ chức tín dụng. Vì vậy, dù là vay các khoản có giá trị nhỏ nhưng người dân nên đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh phát sinh nợ quá hạn dẫn tới các chi phí và tình huống đòi nợ bất hợp pháp.
Lần đầu tiên Việt Nam có đại diện lọt vào danh sách The Bloomberg 50
Kênh truyền thông về kinh doanh và tài chính uy tín hàng đầu của thế giới Bloomberg vừa công bố danh sách 50 nhà lãnh đạo và doanh nhân tiêu biểu toàn cầu của năm 2018 “The Bloomberg 50” (B50).
CEO Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Năm nay, lần đầu tiên Việt Nam có đại diện trong danh sách trên, đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet.Trong danh sách này có ông Jerome Powell – Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); bà Amy Hood – Giám đốc tài chính của Microsoft; ông Ben Van Beurden – Giám đốc điều hành của Tập đoàn Royal Dutch Shell; bà Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Canada; bà Leanne Caret – Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành phụ trách quốc phòng, hàng không và an ninh của Tập đoàn Boeing; ông Cyril Ramaphosa – Tổng thống Nam Phi…
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị thường trực của ngân hàng HDBank.
Bà là cử nhân Kinh tế và Tài chính, Tín dụng-Ngân hàng, tiến sĩ kinh tế.
Trong năm 2017 và 2018, bà Thảo lần lượt đưa Vietjet và HDBank lên niêm yết trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh và đây đều là các DN được đầu tư vốn hàng tỷ USD. Bà hiện người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ngoài Bloomberg, tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ mới đây cũng công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới với đại diện của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí thứ 44, tăng 11 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái.
Đứng đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes là Thủ tướng Đức Angela Merkel, kế tiếp là Thủ tướng Anh Theresa May, đứng thứ 3 là Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde và xếp sau đó là Chủ tịch-Tổng giám đốc hãng chế tạo ôtô General Motor, bà Marry Bara.
Danh sách B50 tôn vinh 50 nhân vật hàng đầu đã làm thay đổi bối cảnh kinh doanh toàn cầu trong năm 2018. Danh sách này khác biệt với các danh sách quyền lực khác trên thế giới là những nhân vật được lựa chọn dựa trên các phương thức định lượng và đo đếm được từ các nguồn tài nguyên của đội ngũ 2.400 phóng viên, các dữ liệu và những phân tích độc quyền của Bloomberg.
Hoạt động từ năm 1981 với trụ sở chính tại New York, Mỹ bao gồm các kênh truyền hình, tạp chí, các kênh phân tích, dự báo và giao dịch hàng hóa…, tập đoàn Bloomberg là kênh thông tin mà tất cả các nhà tài chính chuyên nghiệp trên thế giới lựa chọn.
Hà Nội đặt mục tiêu GRDP năm 2019 tăng từ 7,5% trở lên
Sáng 10/12, UBND TP tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2018; triển khai Kế hoạch kinh tế – xã hội (KT-XH), dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp và phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019 của TP Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị
Theo đó, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, mục tiêu GRDP tăng từ 7,5% trở lên (cách tính cũ 8,65%). Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI đề ra mục tiêu GRDP tăng từ 8,5 – 9,0% (cách tính mới: 7,3 – 7,8%).Tại Hội nghị Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu về một số nội dung cần quan tâm để triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH và Kế hoạch đầu tư công năm 2019 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2021.
Kết quả 3 năm 2016 – 2018: Năm 2016 đạt 8,2% (cách tính mới 7,15%); Năm 2017 đạt 8,48% (cách tính mới 7,31%); Năm 2018 đạt 8,56% (cách tính mới 7,37%).
Kế hoạch 2019 đề ra tăng từ 8,7% trở lên (cách tính mới 7,5%); năm 2020 tiếp tục duy trì như năm 2019; Trung bình 5 năm 2016 – 2020 sẽ đạt 8,51-8,57% (cách tính mới 7,33 – 7,41%) – nằm trong khung kế hoạch 5 năm đã đề ra.
So với 17 chỉ tiêu kế hoạch KT-XH 5 năm 2016-2020, theo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, hết năm 2018 có 3 chỉ tiêu đã hoàn thành (sớm 2 năm): Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 83,9% (KH 80%); Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 66,2% (KH 65 – 70%); Tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ 1,16% (kế hoạch 1,2%).
Năm 2019, dự kiến tiếp tục hoàn thành thêm 1 chỉ tiêu về môi trường (tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 100% và tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt 100%). Còn lại 13 chỉ tiêu cần tiếp tục thực hiện, phấn đấu hoàn thành vào năm 2020. Như vậy, hết năm 2020 sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt tất cả 17 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Về kế hoạch năm 2019, có 24 chỉ tiêu, gồm: 1 chỉ tiêu về thu, chi ngân sách; 22 chỉ tiêu KT-XH; Trong đó: 4 chỉ tiêu phát triển kinh tế; 14 chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội (thêm 2 chỉ tiêu so với năm 2018: Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc; tỷ lệ tham gia Bảo hiểm thất nghiệp); 4 chỉ tiêu về đô thị, môi trường và xây dựng nông thôn mới; 1 chỉ tiêu về biên chế hành chính, sự nghiệp.
Về một số nhiệm vụ chủ yếu năm 2019, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đã được xác định trong Báo cáo số 305/BC-UBND ngày 19/11/2018 của UBND TP về tình hình, kết quả phát triển KT-XH năm 2018 và Kế hoạch năm 2019, đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã bám sát nội dung để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019.
Ngay sau Hội nghị này, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho UBND TP ban hành Văn bản chỉ đạo xây dựng chương trình hành động năm 2019. Đề nghị các sở, ban, ngành xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành cần triển khai thực hiện trong năm 2019, có phân công thực hiện và tiến độ hoàn thành cụ thể từng nhiệm vụ, gửi báo cáo về Văn phòng UBND TP và Sở KH&ĐT trước ngày 22/12/2018 để tổng hợp trình UBND TP ban hành Chương trình hành động ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Về báo cáo định kỳ hàng tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp xem xét, duyệt báo cáo; phân công một đồng chí cấp phó phụ trách trực tiếp và một lãnh đạo phòng cán bộ chuyên môn là đầu mối tổng hợp đảm bảo thường xuyên, liên tục, kịp thời và thống nhất.
Ngoài ra, UBND TP tổ chức giao ban định kỳ, đột xuất về tình hình KT-XH và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản, đề nghị các Sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã cần tổ chức đánh giá kỹ tình hình và kết quả phát triển KT-XH, tiến độ xây dựng cơ bản để phục vụ các Hội nghị này.
Theo Tiến Thành/Kinh tế & Đô thị