Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc phân bổ lại nguồn lực, phát huy giá trị đất đai, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, định giá đất là vấn đề then chốt.
Chiều 14/11, tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm về Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định các ý kiến của ĐBQH góp ý đều hết sức tập trung, phong phú, là những nội dung hết sức cốt lõi, quan trọng của dự thảo Luật.
Bộ trưởng cho biết, chiếm 1/3 số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại hội trường là về vấn đề tài chính và giá định giá đất.
Ông nêu rõ, tài chính đất đai cùng với quy hoạch là công cụ mà Nhà nước thực hiện quyền quản lý Nhà nước và quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong đó, việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai và đưa nguồn lực này vào phát triển cho kinh tế – xã hội và giải quyết hài hòa các mối quan hệ, vấn đề định giá là vấn đề hết sức then chốt của mọi vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, dùng phương pháp toán học, phương pháp thống kê tính toán, cùng với phương pháp để xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, số lượng thửa đất… thì có thể xác định được giá đất. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay.
Đồng thời, từ giá đất này sẽ thực hiện rất nhiều công việc để đảm bảo trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất, cũng như tính được giá đất cụ thể. Cùng với đó, công khai được giá đất cụ thể và người dân có quyền tiếp cận.
Về thu hồi đất và bồi thường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết dự thảo đã quy định rõ tiêu chí giao đất không phải đấu thầu, đấu giá. Về vấn đề đất đai cần phải đấu thầu, đấu giá có 2 hình thức. Bộ trưởng nhấn mạnh quan trọng nhất ở đây là “làm sao thực hiện được hài hòa lợi ích của người dân – lợi ích của Nhà nước và lợi ích doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao xác định được điều kiện, tiêu chí, Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ nghiên cứu và mong các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, khoa học tiếp tục tham gia góp ý lượng hóa, cụ thể.
Về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định quy hoạch đất đai sẽ gắn với quy hoạch giao thông. Tập trung quản lý đất đai theo không gian, quản lý về chỉ tiêu phân bổ đất đai để làm sao sử dụng một cách hiệu quả, khai thác bền vững.
“Đất đai có phát triển, có gia tăng giá trị hay không phụ thuộc vào hạ tầng giao thông, phụ thuộc vào ý tưởng quy hoạch. Như vậy, làm sao quản lý đất đai theo không gian, quản lý đến thửa đất chúng ta dựa vào quy hoạch xây dựng, bao gồm xây dựng đô thị nông thôn”, Bộ trưởng nói.
Do đó, tập trung quản lý đất đai theo không gian, quản lý về chỉ tiêu phân bổ đất đai để làm sao sử dụng một cách hiệu quả, khai thác bền vững.
Về đấu thầu, đấu giá đất, Bộ trưởng cho biết không đấu thầu, đấu giá khi chưa có những ý tưởng, kế hoạch tốt nhất, khi chưa có những quy hoạch chi tiết, cái nhìn về không gian và khai thác, sử dụng, kể cả công trình ngầm.
Vì vậy theo Bộ trưởng, quy hoạch, kế hoạch cộng với tài chính đất đai và định giá đất là những công cụ để thể hiện quyền năng của Nhà nước về quản lý.
Tránh mâu thuẫn giữa các luật có liên quan
Phát biểu thảo luận, đại biểu Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật đất đai với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ để tạo hành lang pháp lý và giải quyết những tồn tại, khó khăn trong thời gian vừa qua. Dự thảo luật được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, tạo được hành lang pháp lý, thể hiện quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong Nghị quyết 18.
Góp ý một số nội dung dự thảo luật, đại biểu Khương Thị Mai cho rằng, những nội dung liên quan đến đất đai phải được thể hiện trong Luật Đất đai để dễ triển khai thực hiện, tránh mâu thuẫn giữa các luật có liên quan.
Về thời điểm tính tiền thuê đất đối với các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất, đại biểu Khương Thị Mai cho rằng nên lấy thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất thay bằng thời điểm trúng đấu giá quyền sử dụng đất đấu thầu.
Đại biểu cũng đề nghị nên giao cho Nhà nước thu hồi đất và thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để tạo nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với quy định của Nghị quyết 18.
Về giá trị giá đất quy định tại Điều 164 của dự thảo luật, theo đó bảng giá đất được xây dựng hàng năm và được công bố công khai. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quy định rất cụ thể nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục để định giá đất để khắc phục các tồn tại trong thời gian gian vừa qua.
Đại biểu cũng đề nghị không nên bổ sung thành phần Hội đồng nhân dân vào Hội đồng thẩm định giá đất, vì Hội đồng nhân dân là cơ quan giám sát; đồng thời nên giao cho Sở Tài chính tham mưu xây dựng bảng giá đất thay vì vì Giám đốc Sở Tài chính là thường trực Hội đồng định giá đất…
Hoàng Thị Bích
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/sua-luat-dat-dai-bo-truong-tnmt-giai-trinh-lam-ro-mot-so-van-de-a580319.html