Trạm BOT T2 nằm trên QL 91, thuộc Tp. Cần Thơ chỉ cách cầu Vàm Cống có 200m, nhưng người đân vẫn phải trả 2.000 đồng để qua trạm này và 33.000 đồng để đi qua cầu Vàm Cống. Điều này đang gây bức xúc cho người dân và dư luận.
Đi 200m trả tiền 2.000 đồng
Có lẽ sau những phản ứng gay gắt tại BOT Cai Lậy thì một lần nữa, người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại “dậy sóng” khi vị trí đặt trạm BOT T2, Cần Thơ chưa thực sự phù hợp.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trạm thu phí BOT T2 thành lập nhằm thu phí cho tuyến BOT QL 91 đoạn Cần Thơ – An Giang. Trước đây, vị trí đặt trạm được xác định tại QL91, thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Lý do đặt trạm ngay trong thành phố vì trước đây lượng phương tiện qua trạm này không nhiều, chủ yếu là xe ở Cần Thơ và Kiên Giang. Lúc này, cầu Vàm Cống chưa được đưa vào khai thác.
Tuy nhiên, từ ngày 19/5/2019, khi cầu Vàm Cống được đưa vào khai thác thì vị trí đặt trạm BOT T2 lộ rõ sự bất hợp lý khi chỉ cách Dự án cầu Vàm Cống 200m.
Mặt khác, khi cầu Vàm Cống hoàn thành, lượng phương tiện tăng mạnh, các xe từ các khu vực Long Xuyên, Châu Đốc, Tịnh Biên… đều đi theo hướng này và buộc phải qua trạm thu phí T2. Sử dụng quãng đường chỉ 200m, nhưng người dân vẫn phải đóng phí.
Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho hay: Những xe từ An Giang về Kiên Giang, qua Cầu Vàm Cống thì bán vé 2.000 đồng, xe đi Cần Thơ khi tới trạm BOT T1 thì mua tiếp vé 33.000 đồng. Trường hợp nhà thầu sợ thất thu thì bán cho tài xế vé ở trạm T2 nhưng khi phương tiện vào QL80 về Kiên Giang hoặc về Vàm Cống thì phải trả lại 33.000 đồng.
Ông Trí cũng cho hay, về phía địa phương, An Giang đề xuất phương tiện đi từ Kiên Giang hoặc từ Cầu Vàm Cống về An Giang sẽ được phát một thẻ để tới trạm T2 đưa thẻ này ra và mua vé với giá 2.000 đồng, tương đương với khoảng đường 200m mà người dân sử dụng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng: Việc đi 200m mà thu 2.000 đồng dù không lớn, nhưng lộ rõ nhiều bất cập. Bởi lẽ, Dự án BOT QL 91 được thu phí theo mô hình “thu phí hở”, kiểu thu phí tính theo đoạn đường xe đi là “thu phí kín” – hiện đang áp dụng thu phí cao tốc. Vì thế, việc đưa mô hình thu phí kín tại đây là không phù hợp, mà lại chỉ với quãng đường 200m cũng tính phí là vô lý.
Nhà đầu tư kêu lỗ
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư QL91 Cần Thơ – An Giang cho biết: Dự án BOT T1 và T2 có tổng đầu tư tới hơn 1.700 tỉ, doanh thu hơn 10 tỉ/tháng trong khi lãi vay phải trả khoảng 10,5 tỷ đồng/tháng nên chủ đầu tư hiện lỗ trên 100 tỷ.
“Để dự án được khả thi, chủ đầu tư đã có đề xuất Chỉnh Phủ, Bộ Giao thông và TP Cần Thơ có biện pháp hỗ trợ dự án tiền giải phóng mặt bằng (hơn 400 tỷ đồng), tuy nhiên, đến nay chưa được thực hiện”, ông Khang nói.
Ông Khang biết thêm, phía Tổng cục đường bộ Việt Nam đã thống nhất đưa tỉnh Đồng Tháp vào chính sách miễn giảm phí qua trạm BOT T2, sau khi địa phương này rà soát lại số lượng phương tiện thì sẽ có chính sách miễn giảm cụ thể. Còn về số lượng phương tiện tăng sau khi thông xe cầu Vàm Cống, phải 1 tháng sau mới có số liệu chính thức.
Theo tính toán, nếu phải di dời trạm BOT T2, nhà đầu tư sẽ tiếp tục lỗ nặng vì lượng xe qua trạm quá ít, không đủ trả lãi ngân hàng.
Hiện tại, để giải quyết những bức xúc từ người dân và hài hoà lợi ích doanh nghiệp, phía Hiệp hội vận tải ô tô An Giang đã có văn bản kiến nghị đến cơ quan chức năng và đề xuất 3 phương án đó là thu phí theo tỉ lệ cự ly tham gia 1/40 theo mức phí Tổng Cục đường bộ đã quy định về trạm thu phí không dừng.
Đồng thời, dành hẳn 2 làn phương tiện đi và về Long Xuyên, Kiên Giang được miễn phí hoàn toàn hoặc di dời trạm T2, thời gian di dời phải được xác định cụ thể và đề án đặt lại trạm phù hợp.
Theo Đinh Tịnh /VietNamFinance