Vì lý do cá nhân, bà Trần Tuấn Anh và bà Nguyễn Thuỵ Quỳnh Hương đã xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT Kienlongbank kể từ ngày 17/11.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UPCoM: KLB) vừa thông báo về việc nhận được đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của bà Trần Tuấn Anh và bà Nguyễn Thuỵ Quỳnh Hương ngày 17/11.
Trong đơn từ nhiệm của bà Trần Tuấn Anh, bà cho biết nhiệm kỳ Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2022 của bà sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2022, tuy nhiên vì lý do cá nhân nên bà xin từ nhiệm nhiệm vụ Thành viên HĐQT kể từ ngày 17/11.
Tương tự, bà Nguyễn Thuỵ Quỳnh Hương cũng vì điều kiện cá nhân mà xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 – 2022 từ ngày 17/11.
Bà Trần Tuấn Anh (sinh năm 1976) từng đảm nhiệm các chức vụ Phó Phòng dịch vụ địa ốc, Trưởng Ban Pháp chế của HDBank, Trợ lý Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Phòng pháp chế, Thành viên HĐQT chuyên trách kiêm Phó Tổng Giám đốc tại VietCapitalBank.
Từ ngày 2/7/2014 đến ngày 23/2/2018, bà đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc KienlongBank. Ngày 24/2/2018, bà đảm nhiệm chức vụ Quyền Tổng Giám đốc Kienlongbank. Từ ngày 23/4/2018, bà đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Kienlongbank đến ngày 14/10/2021 và đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT KienlongBank từ ngày 26/4/2018 đến hiện tại.
Bà Nguyễn Thuỵ Quỳnh Hương (sinh năm 1976) từng làm việc tại Công ty Liên doanh Gạch CeramicDotalia và hoạt động đầu tư kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác. Bà đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT Kienlongbank từ tháng 4/2014 đến nay. Ngoài ra, bà còn là Thành viên Hội đồng thành viên Công ty KBA.
Kienlongbank cho biết thời điểm miễn nhiệm dự kiến HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục tại điều lệ ngân hàng và pháp luật hiện hành.
Sau khi 2 thành viên rời đi, HĐQT Kienlongbank còn 6 thành viên khác, trong đó bà Trần Thị Thu Hằng giữ chức Chủ tịch.
Về bức tranh tài chính, quý III/2022, KienlongBank ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 588 tỷ đồng và 165 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 129% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của ngân hàng này cũng giảm 3,8% so với đầu năm xuống 80.626 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 7% lên hơn 41.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của khách hàng giảm gần 18% so với đầu năm xuống còn hơn 42.200 tỷ đồng.
Về tình hình nợ xấu, số dư nợ xấu tại KienlongBank tăng hơn 10% so với đầu năm lên 801 tỷ đồng. Trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gần 24% lên hơn 658 tỷ đồng.
Mới đây, nhà băng này cũng đã hoàn tất các thủ tục, gửi hồ sơ đăng ký niêm yết toàn bộ 365 triệu cổ phiếu KLB lên sàn chứng khoán HoSE sắp tới. HoSE cũng thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của KienlongBank.
Lê Thanh Hồng