Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm giúp xuất khẩu tôm tăng trở lại.
Chiều 21/7, Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam đã được tổ chức nhằm phổ biến quy định, nhu cầu, thị hiếu từ nay đến cuối năm 2023 và 2024 tại các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng.
Hạ tầng vùng nuôi tôm còn hạn chế
Theo ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam có tiềm năng rất lớn về diện tích, khí hậu thuận lợi và nguồn nước dồi dào cho phát triển nuôi tôm nước lợ, có thể sản xuất được những sản phẩm tôm chất lượng cao với nhiều kích cỡ khác nhau”.
“Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam đang tồn tại nhiều điểm yếu và đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là hạ tầng vùng nuôi hạn chế, quy mô nông hộ nhỏ bé khiến hạ tầng nguồn nước cấp, nước thoát nước chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác sản xuất và nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh. Chi phí sản xuất tôm còn cao so với các nước đối thủ trên cùng phân khúc thị trường”, ông Hòa cho biết.
Ông Hoà cho hay, để ngành tôm phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đã đề ra, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) để nâng cao chất lượng, giảm giá thành tăng sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới.
Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại thúc đẩy xuất khẩu; nắm bắt, tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do.
Ông Hòa chia sẻ, thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên trong những tháng qua. Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại.
Xu hướng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ
Tại sự kiện, ông Phạm Quang Huy – Tham tán nông nghiệp Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: “Sản lượng tôm nội địa của Mỹ chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tiêu dùng, 90% còn lại đến từ nguồn nhập khẩu từ các nước Trung Mỹ và Nam Á. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú”.
Đối với tôm của Việt Nam, theo số liệu từ Thương mại Mỹ, 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 200 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này xuất phát từ một số nguyên nhân bao gồm lạm phát, giá nguyên liệu tăng cao so với các thị trường.
Bên cạnh đó, giá thành nuôi tôm của Việt Nam còn cao, xuất phát từ một số lý do như diện tích nuôi tôm nhỏ lẻ, chất lượng giống chưa đảm bảo, mật độ cao, kèm theo chi phí thức ăn đầu vào tăng cao. Theo ông Huy, đây là điều mà các cơ quan chức năng cần vào cuộc để giải quyết nhằm tìm lại sự phát triển cân bằng.
Nhìn vào bức tranh tổng thể, Tham tán Nông nghiệp Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định đã có những điểm sáng từ nay đến cuối năm. Cụ thể như hàng tồn đã bắt đầu giảm, doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu thu mua hàng trở lại.
Bên cạnh đó, ông Huy cũng nhấn mạnh một số ưu điểm của thị trường Mỹ như lãi suất không tăng, kỳ vọng lạm phát giảm và sức mua đang dần quay trở lại. “Mỹ cũng là thị trường có thông tin minh bạch, ổn định có tính cập nhật cải thiện, dễ tiếp cận qua các nền tảng quản lý hành chính điện tử”, ông Huy cập nhật.
Ngoài ra, Mỹ cũng có những bạn hàng ổn định, có tính cam kết mạnh mẽ do đó uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đặc biệt xuất khẩu tôm của Việt Nam đã được khẳng định qua nhiều năm.
Song song với đó, ông Huy cũng nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam cần lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Mỹ.
Phát biểu tại sự kiện, bà Hoàng Thị Hoàng Thúy – Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia) đã chia sẻ một số xu hướng tại thị trường Bắc Âu.
“Các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Gần đây, thỏa thuận xanh châu Âu đã có chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, nhấn mạnh tiềm năng của thủy sản trong đó có tôm. Do đó, người tiêu dùng đang có xu hướng giảm tiêu thụ thịt, đặc biệt là thịt đỏ và chuyển sang tiêu dùng thủy sản”, bà Thúy nói.
Từ thực tế trên, bà Thúy lưu ý các doanh nghiệp, với sự phát triển hữu cơ sẽ làm ra đời các quy định mới nhằm đảm bảo tất cả các sản phẩm hữu cơ được bán tại EU có chung 1 tiêu chuẩn.
Chính vì vậy, theo bà Thúy, nếu muốn kinh doanh ở các siêu thị ở Bắc Âu doanh nghiệp cần có những chứng chỉ sản xuất an toàn, bền vững, trong đó có 2 chứng nhận được yêu cầu chính là MSC và ASC đối với các thủy sản đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng.
Một xu thế cũng được bà Thúy nhấn mạnh là thị trường các sản phẩm tiện lợi, đồ ăn sẵn. Cụ thể, xu hướng gia tăng sử dụng đồ ăn tiện lợi, đồ ăn chế biến sẵn tại Bắc Âu sẽ tăng nhập khẩu các sản phẩm thô. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam phát triển nếu có thể cung cấp các nguồn nguyên liệu cho các đơn vị chế biến.
Nguyễn Phương Anh