Trên thế giới, bancassurance đã phát triển hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn khá mới mẻ tại Việt Nam khi mới khai thác ở công đoạn đơn giản nhất là ngân hàng giới thiệu khách hàng, sau đó nhân viên bảo hiểm đi chốt hợp đồng.
Sẽ phát triển hơn nữa
Bên cạnh chiến lược phát triển đội ngũ đại lý, bancassurance được xác định là kênh phân phối chủ lực thứ 2 của doanh nghiệp bảo hiểm với kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực hơn vào doanh thu khai thác phí mới cho doanh nghiệp.
Trong vòng vài năm gần đây, số lượng các thương vụ hợp tác ngân hàng – bảo hiểm ngày một nhiều lên, bancassurance tại Việt Nam đã ghi nhận những bước phát triển vượt bậc.
“Việc các ngân hàng thương mại Việt Nam phát triển mô hình bancassurance là rất hợp lý và đây là một kênh phân phối hữu hiệu nhiều tiềm năng”, PGS.TS. Lê Thanh Tâm (Giảng viên Viện Ngân hàng–Tài chính – Đại học Kinh tế Quốc dân) đã nhận xét về tốc độ phát triển của mô hình liên kết này.
“Phát triển bancassurance, còn gọi là dịch vụ bán chéo sản phẩm giữa ngân hàng thương mại và các công ty bảo hiểm, thực sự là một sản phẩm rất tiềm năng. Vừa mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận khách hàng (thâm nhập vào nền kinh tế – cộng đồng các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư) vừa góp phần hạn chế rủi ro cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm”, một chuyên gia khác cho biết thêm.
Thống kê chưa đầy đủ từ các công ty bảo hiểm cho biết doanh thu phí bảo hiểm mới bán qua kênh bancassurance năm 2018 chiếm gần 20% tổng doanh thu phí mới từ các kênh của thị trường bảo hiểm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu sơ bộ cho thấy tổng doanh thu khai thác phí mới toàn thị trường ước đạt gần 20.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu khai thác mới từ bancassurance là khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia trong ngành, dù còn có những vấn đề về chất lượng tư vấn hay dịch sau bán hàng, nhưng bancassurance tại thị trường Việt Nam đang phát triển nhanh và dự báo sẽ còn phát triển hơn nữa.
Việc phát triển sản phẩm bancassurance trong rổ các sản phẩm ngày càng được các ngân hàng đặc biệt lưu tâm, vì khoản hoa hồng đến từ bán bảo hiểm là một nguồn thu quan trọng của ngân hàng.
Chiến lược quan trọng cho năm 2019
Sự bùng nổ của bancassurance bắt đầu từ năm 2017, khi hàng loạt thương vụ hợp tác lớn có giá trị nghìn tỷ đồng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng được ký kết và đưa vào khai thác.
Cụ thể, từ cuối năm 2017, thị trường chứng kiến hàng loạt thương vụ lớn bắt tay giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm như Dai-ichi Life bắt tay với Sacombank (thương vụ độc quyền lên đến 20 năm) và SHB (15 năm), VPBank cùng AIA, Techcombank với Manulife hay VietinBank và Aviva, NCB và Prevoir.
Năm 2019, bancassurance được mở màn với thương vụ “bắt tay” chiến lược giữa Kienlongbank và AIA Việt Nam. Thương vụ “bắt tay” này được kỳ vọng sẽ giúp AIA đến gần hơn với các khách hàng tập trung tại các tỉnh miền Ðông và Tây Nam Bộ – vốn là khu vực kinh doanh trọng điểm của Kienlongbank.
Theo thỏa thuận, AIA Việt Nam và Kienlongbank sẽ cùng đưa ra các giải pháp tài chính toàn diện về tiết kiệm, bảo vệ, đầu tư, chăm sóc sức khỏe,… thông qua hệ thống 134 đơn vị kinh doanh của Kienlongbank trên toàn quốc.
Được biết năm 2018 là một năm thành công rực rỡ đối với kênh bancassurance của AIA Việt Nam khi thương hiệu Blanc by AIA mới được ra mắt vào đầu năm và tới tháng 10/2018, Blanc by AIA đã xuất sắc cán mốc tổng doanh thu phí bảo hiểm 106 tỷ đồng.
“Cùng với kênh phân phối thông qua đại lý, kênh bancassurance sẽ là chiến lược quan trọng của chúng tôi trong năm 2019”, ông Ng Keng Hooi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn AIA nói trong chuyến viếng thăm Việt Nam hồi cuối năm qua.
Tại Dai-ichi Life Việt Nam, trong cuộc trao đổi với báo giới mới đây, đại diện công ty cho biết năm 2018, doanh thu khai thác mới của kênh ngoài đại lý (bao gồm bancassurance và VN Post) ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% trong tổng doanh thu phí mới, riêng bancassurance đã vượt kế hoạch doanh thu đề ra. Tuy nhiên, cũng theo vị này, do mới ở giai đoạn đầu nên chỉ tiêu đối với kênh bancassurance chưa cao.
“Chúng tôi dự kiến doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của bancassurance sẽ tăng khoảng 30-40% trong năm 2019. Mục tiêu này là khả thi, bởi các ngân hàng đã bắt đầu vào guồng sau thời gian chuẩn bị”, ông Takashi Fujii, Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life Việt Nam chia sẻ.
Tháng 1/2019 cũng đánh dấu 3 năm hợp tác thành công giữa Prudential và VIB. Kết quả kinh doanh bancassurance Prudential – VIB trong 3 năm qua cũng liên tục đạt được đà tăng trưởng mạnh mẽ. Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ năm 2018 tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với 2016.
Ba năm đầu của quan hệ hợp tác chiến lược 15 năm đã ghi dấu Prudential – VIB là mô hình bancassurance tăng trưởng nhanh và hiệu quả.
Thời gian tới, Prudential và VIB cũng cho biết sẽ tiếp tục chung tay đẩy mạnh hợp tác trong các hoạt động truyền thông tiếp thị và bán hàng cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng và chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đang có nhiều thay đổi của khách hàng và giúp họ bảo vệ một tương lai tài chính trọn vẹn.
Theo thông tin từ Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, năm 2018, thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu đạt 115.982 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 87.960 tỷ đồng, tăng 32,8% so với năm 2017, doanh thu từ hoạt động đầu tư ước đạt 28.022 tỷ đồng, tăng 29,4%.
Tại lễ kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống thị trường Bảo hiểm Việt Nam mới đây, quyền Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam Trần Vĩnh Đức cũng nhấn mạnh năm 2018, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng của nền kinh tế và toàn xã hội. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tính đến cuối năm 2018 tiếp tục được nâng cao, với tổng tài sản ước đạt 302.370 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017.
Tất cả các doanh nghiệp đều thực hiện trích lập dự phòng nghiệp vụ bằng hoặc cao hơn so với quy định của pháp luật, với tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 219.583 tỷ đồng, tăng 30%.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 50.251 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Trong đó, vốn điều lệ được tăng thêm trong năm 2018 là 19.706 tỷ đồng, tăng 136%.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã giải quyết tốt quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng với tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 18.650 tỷ đồng, tăng 17%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đóng góp lớn vào sự phát triển nền kinh tế – xã hội, bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn, ổn định cho nền kinh tế, với tổng số tiền đầu tư ước đạt 276.437 tỷ đồng, tăng 33%.
“Năm 2019 nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao. Nhu cầu về bảo hiểm tại Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tăng, người dân và các tổ chức kinh tế ngày càng quan tâm hơn đến bảo hiểm. Dự báo thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, trong đó lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng trưởng trên 25%”, ông Trần Vĩnh Đức khẳng định.
Theo Anh Phan/VietnamFinance