Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi để vượt qua những thách thức hiện tại.
Sáng 27/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới.
Báo cáo về thực trạng chăn nuôi gia cầm, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng đàn gia cầm nói chung, đàn gà và đàn thủy cầm nói riêng những năm vừa qua có xu hướng tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.
Khó khăn bủa vây
Trong những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm ghi nhận nhiều tiến bộ kỹ thuật về phương thức nuôi, con giống đã góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp một cách hợp lý, hiệu quả hơn.
Việt Nam sở hữu các giống gia cầm bản địa phong phú, đa dạng; từ nguồn gen của các giống bản địa này kết hợp với các giống gia cầm nhập ngoại đã chọn tạo ra các dòng giống mới phục vụ đa dạng thị trường tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam vẫn còn dễ tổn thương trước những khó khăn của thị trường. Theo đó, việc duy trì mức giá cao của nhiều mặt hàng đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao.
Ông Chinh cho biết, biến đổi khí hậu và một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia cầm vẫn diễn ra tại một số địa phương ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kế hoạch đảm bảo tăng trưởng ngành chăn nuôi.
Theo ông Chinh, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, gắn với thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Việc thực hiện quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu còn chưa được chú trọng dẫn đến sản lượng sản phẩm gia cầm xuất khẩu chưa cao, giá trị chưa lớn.
Với vai trò đại diện ngành hàng, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) đặc biệt nhấn mạnh sự báo động của sụt giảm tỉ suất lợi nhuận của ngành chăn nuôi gia cầm trong thời gian qua. Đồng thời, dịch bệnh hiện vẫn đang diễn ra, một số bệnh trong chăn nuôi gia cầm chưa thể kiểm soát được.
Vấn đề thứ ba được ông Sơn nhấn mạnh là sự tăng trưởng nhập khẩu thịt gà đông lạnh trong thời gian qua đã tăng rất nhiều, tăng mạnh hơn cả sản xuất trong nước. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong thị trường tiêu thụ nội địa.
Trong 5 năm gần đây sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục (trên 15%/năm), chiếm 20 – 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khẩu chính ngạch, hàng năm, một khối lượng lớn gà sống để loại thải được nhập tiểu ngạch, thậm chỉ nhập lậu qua biên giới (theo ước tính của các chuyên gia khoảng 200 – 250 nghìn tấn/năm).
Hiện nay nước ta chưa có quy định cụ thể đối với sản phẩm thịt nhập khẩu có sử dụng Ractopamine, Cysteamine tại 26 quốc gia. Trong khi ở trong nước cấm người chăn nuôi sử dụng hai loại hóc môn trên cho gia súc, gia cầm. Do vậy, cũng phải cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng Ractopamine, Cysteamine để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi trong nước.
“Đang có rất nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn cho chăn nuôi như chân, đầu, cổ, cánh, lòng mề gia súc, gia cầm, thậm chí sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm… nhưng vẫn được tuồn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho con người. Nếu không kiểm soát tình trạng này thì sản xuất trong nước sẽ vô cùng bất ổn”, ông Sơn nói.
Từ những khó khăn trên, đại diện VIPA cho rằng cần tăng cường kiểm soát, tập trung ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, trong đó có gà để loại thải, tạo hành lang biên giới an toàn nhằm ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát và gây áp lực lên thị trường trong trong nước.
Theo ông Sơn, cần rà soát lại chiến lược phát triển ngành gia cầm trong trung hạn và dài hạn. Theo đó, định hướng phát triển cần hài hòa giữa phát triển số lượng và chất lượng, coi trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hơn là tăng quá nóng về số lượng.
Về mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm, đại diện VIPA đề xuất đẩy mạnh công tác đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt trứng gia cầm chế biến, con giống ngoài thị trường Nhật Bản.
Đồng thời, VIPA đề xuất là kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. So với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta còn dễ dãi và lỏng lẻo. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.
“Đã đến lúc cần có các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua”, ông Sơn cho hay.
“Tôi sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp”
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: “Trong bối cảnh hết sức khó khăn bủa vây, ngành chăn nuôi gia cầm cần nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng. Về nội lực, phải thừa nhận giống Việt Nam năng suất còn thấp khi cạnh tranh với các nước tiên tiến trên thế giới”.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã ra biển lớn, cần thích ứng và hội nhập, tận dụng lợi thế để bán ra thị trường những sản phẩm chất lượng. Việt Nam cần bán ra những gì thị trường cần thay vì chỉ những thứ chúng ta có.
“Các doanh nghiệp nếu có các khúc mắc mà các đơn vị không giải quyết hãy cứ nhắn tin cho tôi, đêm hôm sớm tối, tôi sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp. Rất chia sẻ và mong các doanh nghiệp từ FDI đến doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp chăn nuôi, thú y, thức ăn chăn nuôi đồng hành cùng Bộ NN&PTNT, đoàn kết lại thúc đẩy ngành chăn nuôi vượt qua thách thức hiện tại”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Nguyễn Phương Anh