Nhóm công tác Ô tô/Xe máy tiếp tục kiến nghị Chính phủ Việt Nam các vấn đề liên quan đến đối tượng áp dụng Nghị định 116 và Thông tư 41.
Doanh nghiệp ô tô đề xuất sửa luật liên quan tới Nghị định 116 và Thông tư 41
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên – VBF 2018 ngày 4/12, ông Toru Kinoshita – Trưởng Nhóm Công tác Ô tô/Xe máy cho rằng, các chính sách hiện hành đối với ngành công nghiệp hỗ trợ không thể giải quyết được vấn đề có tính hệ thống do quy mô sản lượng nhỏ và thuế nhập khẩu (NK) xe CBU về 0% từ năm 2018.
Nhóm Công tác Ô tô/Xe máy cho rằng, năm 2017, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 116 quy định các điều kiện kinh doanh đối với xe NK (CBU) nhưng không thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của xe lắp ráp (CKD) trong dài hạn.
“Ngoài ra, mặc dù đã có một số quyết định hoặc Nghị định để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành. Tuy nhiên, thực tế không có quá nhiều nhà cung cấp có thể được hưởng theo chính sách. Đồng thời, thủ tục đăng ký, kiểm tra chất lượng xe khá phức tạp”, nhóm công tác cho hay.
Do đó, đề nghị Chính phủ nên có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá, nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp…
Liên quan đến Nghị định 116, nhóm công tác cho rằng, Điều 2, khoản 1 của Nghị định 116 có quy định: “Nghị định này áp dụng với DN sản xuất, lắp ráp, NK và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam và các cơ quan, tỏ chức, cá nhân liên quan”.
Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư của Bộ Giao thông vận tải lại quy định đối tượng áp dụng bao gồm cả những DN NK phụ tùng thay thế. Những DN này không thuộc đối tượng quản lý của Nghị định 116.
Do đó, nhóm công tác đề nghị sửa đổi Điều 2 của Dự thảo Thông tư theo hướng: “Thông tư này áp dụng với các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, các DN sản xuất hoặc NK linh kiện cho mục đích sản xuất, lắp ráp ô tô và các tổ chức, cơ quan liên quan đến việc quản lý, kiểm tra, thử nghiệm ô tô và linh kiện ô tô cho mục đích sản xuất, lắp ráp”.
Cũng theo Nhóm công tác Ô tô/ Xe máy, các yêu cầu của Nghị định 116 đối với DN SXLR ô tô được áp dụng từ ngày 17/4/2019. Thêm vào đó, các Giấy chứng nhận hiện nay được cấp trước thời điểm 17/4/2019 vẫn có giá trị 1 năm kể từ ngày cấp.
Do đó, nhóm công tác kiến nghị sửa đổi Điều 21, khoản 1 (điều khoản chuyển tiếp) theo hướng: “Giấy chứng nhận đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng để SXLR trong vòng 12 tháng kể từ ngày 17/4/2019”.
Đối với linh kiện NK, nhóm công tác cũng đề nghị áp dụng theo hình thức này.
Một vấn đề khác liên quan đến Thông tư 41/2018/TT-BGTVT là về cấp giấy chứng nhận. Theo nhóm công tác, Bộ GTVT yêu cầu các sản phẩm trong danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT phải được chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường và Thông tư này chính thức có hiệu lực ngày 15/9/2018.
Tuy nhiên, nhóm công tác cho rằng, chỉ tính riêng số lượng mã linh kiện cho đèn chiếu sáng phía trước của một công ty thành viên VAMA là 1951 mã, rát lớn. Do đó, nếu cộng thêm thời gian thực hiện quy trình chứng nhận, công bố hợp chuẩn, hợp quy, khách hàng phải đợi thêm 1 thời gian dài trước khi xe của họ có thể được sửa chữa; ngoài ra, số lượng các bài thử nghiệm cần thiết phải thực hiện cũng là một vấn đề lớn cho các DN và Cục Đăng kiểm. Việc này sẽ gây lãng phí cho DN, khiến cho giá sản phẩm bán cho khách hàng bị tăng cao.
Do đó, nhóm công tác kiến nghị Bộ GTVT chỉnh sửa nội dung Thông tư 41 nhằm hỗ trợ DN cũng như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và khách hàng theo hướng: Thông tư này không áp dụng cho các linh phụ kiện được sử dụng với mục đích sửa chữa, thay thế; Trong trường hợp vẫn áp dụng thì đề nghị áp dụng Thông tư đối với các linh phụ kiện được sản xuất sau ngày ban hành thông tư này.
Bộ Giao thông vận tải nói gì?
Trả lời về các vấn đề liên quan, ông Nguyễn Văn Công – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng Nghị định 116 và Thông tư số 03 đã nêu rất rõ ràng những yếu cầu và lý do áp dụng. Ông Công cho biết: “Khi kiểm tra xe theo từng lô nhập khẩu, theo Nghị định số 116 và thông tư 03, mỗi lô hàng ô tô nhập khẩu phải kiểm tra thử nghiệm và mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải kiểm tra thử nghiệm. Việc kiểm tra thử nghiệm theo lô nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng ô tô nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trường hợp không thực hiện kiểm soát theo lô như quy định hiện nay sẽ có những bất cập”.
Liên quan tới vấn đề nhập khẩu ô tô, Thứ trưởng Công cho rằng việc một doanh nghiệp nhập khẩu tiến hành nhập khẩu hàng loạt xe về và chỉ đăng ký kiểm tra cho 1 lô đại diện có thể là 1 xe duy nhất đã được doanh nghiệp chuẩn bị trước lựa chọn xe tốt nhất để cơ quan chức năng kiểm tra cấp giấy chứng nhận, sau đó doanh nghiệp tiếp tục đăng ký kiểm tra cho các lô nhập khẩu sau đó với số lượng không giới hạn trong một thời gian dài đến cả năm.
“Trường hợp này các cơ quan chức năng sẽ không kiểm soát được chất lượng khí thải an toàn và chất lượng linh kiện và các hệ thống trên xe của những xe nhập khẩu tiếp theo trong khoảng thời gian dài và đây chính là lỗ hổng lớn trong việc quản lý chất lượng xe nhập khẩu ảnh hưởng đến an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Công cho biết.
Theo Lê Ngà/VietnamFinance