Home Kinh tế vĩ mô Thương hiệu quốc gia Việt Nam thăng hạng

Thương hiệu quốc gia Việt Nam thăng hạng

0

Theo báo cáo từ Brance Finance, năm 2021, thương hiệu quốc gia của Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, đạt 388 tỉ USD, duy trì thứ hạng 33 thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Trong 3 năm trở lại đây, giá trị, thứ hạng thương hiệu quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. VGP/PT

Phát biểu khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia (THQG) 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận: Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình THQG Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực.

Trong 3 năm trở lại đây, giá trị, thứ hạng THQG của Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Theo báo cáo từ Brance Finance, năm 2021, THQG của Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, đạt 388 tỉ USD, duy trì thứ hạng 33 thế giới.

Trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tăng từng năm, từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021. Đặc biệt trong top 10, con số này đã từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021. Bên cạnh số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp THQG trong top 10 cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.

“Với sự hỗ trợ của Chương trình THQG Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, giá trị doanh nghiệp. Minh chứng, rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.

Niềm tin của doanh nghiệp vào thương hiệu quốc gia

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều hoạt động nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia xét chọn sản phẩm đạt THQG. Cùng chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi (Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong) của chương trình THQG Việt Nam.

Hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của THQG Việt Nam trên trường quốc tế.

“Thực tế những năm qua, Chương trình THQG Việt Nam đã trở thành điểm nhấn và là động lực thôi thúc doanh nghiệp cải thiện nội lực, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Nhiều thương hiệu của Việt Nam đã có tiếng trên thị trường thế giới.

TH True Milk là một điển hình. Trên nền tảng của một THQG, TH True Milk đã có những bước tiến đáng kể trên thị trường thế giới khi được nhiều nước chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu. Tại thị trường trong nước, doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào các dự án tại nhiều tỉnh, thành. TH True Milk trở thành thương hiệu quen thuộc được người tiêu dùng tin tưởng”, ông Vũ Bá Phú cho biết.

Những sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia luôn được khách hàng tin tưởng, ký hợp đồng. Ảnh: VGP/PT

Bà Vũ Thị Hồng Anh, Quản lý miền Bắc Công ty TNHH MTV Ladofoods, cho hay: 2 năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, tìm kiếm khách hàng của doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn, những sản phẩm đạt THQG luôn được khách hàng tin tưởng, ký hợp đồng.

“Chúng tôi tin tưởng vào sự minh bạch, công tâm của Hội đồng THQG trong công tác xét chọn. Từ đó, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện hơn nữa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, bà Vũ Thị Hồng Anh nhấn mạnh.

Năm 2022, năm thứ 14 kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam (ngày 20/4). Nhân dịp này, trong khuôn khổ Tuần lễ THQG Việt Nam, Bộ Công Thương tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa. Bên cạnh những sự kiện lớn như lễ khai mạc, trưng bày sản phẩm, truyền thông rộng rãi, diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam sẽ được tổ chức quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm bàn thảo và tìm ra các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa sức ảnh hưởng và lan toả THQG Việt Nam.

Với mục tiêu lớn xây dựng THQG Việt Nam thông qua thương hiệu sản phẩm, nội dung Chương trình THQG Việt Nam giai đoạn 2020-2030 sẽ có sự gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động ngoại giao, đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng THQG Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình cũng tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận trên phạm vi cả nước, từ Trung ương đến địa phương, giữa các bộ, ngành, tổ chức trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam.

Phan Trang

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam-thang-hang-102220420175638082.htm