Home Kinh tế vĩ mô Tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: ‘Cánh cửa’ thị trường...

Tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: ‘Cánh cửa’ thị trường rộng mở

0

Thực tế cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tiêu dùng, sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm sạch, hữu cơ và tốt cho sức khỏe. Đây là một xu thế tiêu dùng tất yếu trong thời gian tới.

Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều giúp cho diện tích sản xuất hữu cơ tăng nhanh, qua đó nâng cao chất lượng nông sản so với canh tác theo phương thức truyền thống. Các sản phẩn hữu cơ không chỉ rộng cửa tiêu dùng trong nước mà còn cả với thị trường xuất khẩu.

Đây là thông tin được đưa ra tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” do Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 28/9.

Tiêu dùng sản phẩm hữu cơ trở thành xu hướng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước.

Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174.000 hecta, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000 hecta, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000 hecta, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000 hecta.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới. Hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ… Đặc biệt, đã có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất, doanh nghiệp.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết hiện nay thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe.

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail cũng cho rằng thực tế cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tiêu dùng, sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm sạch, hữu cơ và tốt cho sức khỏe, đây là một xu thế tiêu dùng tất yếu.

“Đại dịch COVID-19 chính là đòn bẩy để những người tiêu dùng như chúng ta chú ý hơn tới sản phẩm tốt cho sức khỏe và cũng trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, chúng ta có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về các vấn đề sức khỏe, tăng sức mua các sản phẩm tốt cho sức khỏe như sản phẩm hữu cơ,” ông Paul Lê nói.

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. (Ảnh minh họa: Việt Anh/Vietnam+)

Theo ông Paul Le, tại Việt Nam, sự gia tăng dân số nhanh chóng với nhóm tuổi từ 15 đến 40 ngày càng mở rộng (khoảng 40 triệu người) đang ngày càng nhạy cảm với các sản phẩm tốt cho sức khỏe và sẵn sàng chi tiêu để có được những sản phẩm này. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 25 triệu người vào năm 2025, chiếm 25% dân số. Đối với tầng lớp này, việc tiêu thụ những sản phẩm hữu cơ để sử dụng hàng ngày có thể sẽ là một nhu cầu quan trọng.

Thị trường xuất khẩu rộng mở

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm hữu cơ.

Theo bà Hạnh, về thị trường xuất khẩu, hiện nay nông sản hữu cơ của Việt Nam đến được nhiều nhất với thị trường châu Âu. Theo thống kê chính thức của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ euro. Đức là thị trường lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ hai thế giới với 11,97 tỷ euro doanh thu bán lẻ. Thị trường hữu cơ châu Âu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,0%. Mức tăng trưởng cao nhất được quan sát thấy ở Pháp (13,4%).

“Trong thập kỷ 2010-2019, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đã tăng hơn gấp đôi. Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ của Việt Nam vẫn còn rất rộng mở,” bà Hạnh nói.

Không chỉ có thị trường châu Âu rộng mở với nông sản hữu cơ, tiến sỹ Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Mekong Organic cho biết doanh số bán lẻ nông sản hữu cơ tại Australia đã tăng lên hơn 2,5 tỷ AUD. Thị trường của sản phẩm hữu cơ của Australia tăng trên 5% mỗi năm và đặc biệt có những năm tăng trên 10%. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm hữu cơ vào Australia đang khá khiêm tốn, đây là cơ hội đối với các sản phẩm của Việt Nam.

“Hiện tại qua quan sát tại các kênh siêu thị, nhà hàng, các cửa hàng bán buôn cho thấy hàng hữu cơ có nguồn gốc từ Việt Nam đang dần thâm nhập vào thị trường Australia. Đó là những tín hiệu tốt để tiếp tục giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến người tiêu dùng Australia,” tiến sỹ Nguyễn Văn Kiền cho biết.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng bổ sung thêm rằng uy tín, danh tiếng sản phẩm hữu cơ xuất xứ từ Việt Nam ở thị trường thế giới đã đi lên. Từ năm 2018 đến 2022, có 164 doanh nghiệp với 200 sản phẩm đang có chứng nhận USDA của Mỹ./.

Hồng Kiều

Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tieu-dung-san-pham-nong-nghiep-huu-co-canh-cua-thi-truong-rong-mo/820775.vnp