Cho năm 2018, HSC dự báo Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (HoSE: AAA) sẽ đạt doanh thu thuần là 7.755 tỷ đồng (tăng trưởng 90,6%) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự báo đạt 177,4 tỷ đồng (giảm 20,6% so với năm 2017).
Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) vừa đưa ra báo cáo nhận định về Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (HoSE: AAA) với nhiều phân tích đáng chú ý.
Về hoạt động kinh doanh, 9 tháng năm 2018, doanh thu của AAA tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.803 tỷ đồng với đóng góp cao hơn từ mảng bán hàng hóa.
Cụ thể, doanh thu bán hàng hóa tăng mạnh đạt 3.054 tỷ đồng, tăng gấp 5,1 lần cùng kỳ, chủ yếu là nhờ doanh thu của công ty con An Thành tăng mạnh (công ty này chuyên kinh doanh hạt nhựa và nguyên vật liệu nhựa), AAA gián tiếp nắm 51% cổ phần). Doanh thu bán hàng hóa chiếm 52,6% tổng doanh thu thuần, tăng mạnh so với chỉ 22,8% trong 9 tháng năm ngoái.
Đáng chú ý, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng bán hàng hóa giảm mạnh xuống 2,9%, từ 6% cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu bán thành phẩm đạt 2.699 tỷ đồng (tăng 32,5% so với cùng kỳ). Trong đó, sản lượng tiêu thụ tăng 27,7% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ đóng góp cao hơn từ các nhà máy mới số 6 và số 7. Hơn nữa, doanh thu từ xuất khẩu túi dây rút sang Mỹ cũng tăng trong quý III năm nay khi thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ tăng lên 10% từ 3,5% kể từ ngày 25/9/2018. Doanh thu bán các thành phẩm hiện đóng góp 46,5% tổng doanh thu thuần, giảm so với mức 76,9% trong cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự mảng bán hàng hóa, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng bán các thành phẩm cũng giảm xuống 13,8%, từ 17,8% trong cùng kỳ năm ngoái do giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 10-15%, trong khi đó giá bán bình quân tăng 3,75%. Ở mảng này, công ty đã nỗ lực để tối đa hóa tỷ lệ sử dụng công suất ở các nhà máy hiện tại bằng cách định giá bán thấp hơn để thúc đẩy nhu cầu và chấp nhận tỷ suất lợi nhuận giảm.
Cùng với việc tỷ suất lợi nhuận gộp giảm, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của AAA tăng rất mạnh, lên đến 91,6% so với cùng kỳ. Đồng thời, AAA cũng ghi nhận lỗ tài chính lên đến 100 tỷ đồng.
Hệ quả là lợi nhuận trước thuế 9 tháng của AAA giảm 20%, còn 189,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, HSC đưa ra một số lưu ý trên bảng cân đối kế toán của AAA.
Thứ nhất, nợ ngắn hạn tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động (một phần do hàng tồn kho và phải thu tăng). Nợ ngân hàng là 3.091 tỷ đồng (tăng 30% so với đầu năm), trong đó nợ ngắn hạn tăng mạnh lên 1.379,5 tỷ đồng (tăng 67,8% so với đầu năm) và nợ dài hạn giảm 25,9% so với đầu năm xuống 711,6 tỷ đồng.
Thứ hai, tồn kho tăng gấp 3 lần so với đầu năm lên 1.632 tỷ đồng (tăng 204,1% so với đầu năm). Trong đó, HSC lưu ý có 824,8 tỷ đồng xây dựng cơ bản dở dang. AAA cho biết, hạch toán này liên quan đến Khu Công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát (An Phát Complex) vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Được biết, AAA đã chi 756,5 tỷ đồng để mua KCN Việt Hòa-Kenmark trong một cuộc bán đấu giá của BIDV trong năm nay và sau đó đổi tên thành KCN Kỹ thuật cao An Phát (An Phát Complex).
Hiện tại, AAA nắm 96,5% cổ phần tại KCN Kỹ thuật cao An Phát. Sau khi mua lại, công ty sẽ sử dụng KCN này để mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực KCN (KCN Kỹ thuật cao An Phát có tổng diện tích 46 ha). Vốn đầu tư cho KCN này là 2.000 tỷ đồng gồm chi phí đất và cơ sở hạ tầng.
Thứ ba, các khoản phải thu cũng tăng mạnh lên 713,9 tỷ đồng (tăng 71% so với đầu năm), chủ yếu là từ hoạt động bán hàng hàng hóa của An Thành Biscol.
Cho năm 2018, HSC dự báo AAA sẽ đạt doanh thu thuần là 7.755 tỷ đồng (tăng trưởng 90,6%) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự báo đạt 177,4 tỷ đồng (giảm 20,6% so với năm 2017).
HSC cho biết trong tương lai, An Phát Complex sẽ tập trung vào đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa công nghệ cao và thân thiện với hệ sinh thái chẳng hạn như túi phân hủy sinh học và vật liệu xây dựng bằng nhựa PVC kỹ thuật thông qua các công ty liên kết và công ty con như sau:
An Cường – sẽ tập trung vào sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao (tấm ốp tường bằng nhựa sử dụng trong xây dựng) với tổng công suất lên tới 70.000 m2/tháng.
Bao bì An Vinh – tập trung sản xuất bao bì công nghiệp cao cấp chẳng hạn như túi PP, túi Jumbo, túi đeo. Công suất sẽ vào khoảng 2.000 tấn/tháng.
Nhựa Đại An – tập trung sản xuất linh kiện điện thoại di động, đồ điện gia dụng và phụ tùng ô tô bằng công nghệ ép phun. Trong giai đoạn đầu, Đại An đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp chính cho Samsung Việt Nam.
Cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ luôn phiên tăng điểm trong các phiên tới?
Phiên 29/11, chỉ số VN-Index duy trì sắc xanh trong hầu hết thời gian giao dịch trước khi đóng cửa ở mức 930,20 điểm, tăng 7,08 điểm, tương đương 0,77%.
Các mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số VN-Index là VCB, SAB và VNM khi đóng góp lần lượt 1,17, 1,11 và 0,59 điểm tăng. Ngược lại, các mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index là VHM, HPG và MSN khi lấy đi của chỉ số lần lượt 0,21, 0,18 và 0,17 điểm.
Về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng điểm trên diện rộng giúp chỉ số ngành tăng 1,41%. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng tăng điểm mạnh nhất lần lượt là VCB, ACB và CTG với mức tăng lần lượt 3,2%, 2,1% và 2,0%. Nhóm cổ phiếu đồ uống tăng 1,61% với động lực chính đến từ việc cổ phiếu SAB tăng 3,3%. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm 0,14% do việc các cổ phiếu HCM, MBS, BVS và VCI giảm điểm.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, trong các phiên tới, thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng điểm, tuy nhiên sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra mạnh và các cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường
Theo Thanh Long/VietnamFinance