Home Bất động sản Tp.HCM xin hướng dẫn gỡ vướng điều chỉnh bảng giá đất

Tp.HCM xin hướng dẫn gỡ vướng điều chỉnh bảng giá đất

0

UBND Tp.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, xin hướng dẫn việc tính nghĩa vụ tài chính về đất đai và những vấn đề liên quan đến Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh của Tp.HCM.

Điều chỉnh giá đất để phù hợp với thị trường

Vừa qua, Văn phòng UBND Tp.HCM đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến hướng dẫn về tính nghĩa vụ tài chính về đất đai, đối với các hồ sơ sau ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành đến khi ban hành bảng giá đất điều chỉnh, theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.

Theo thông tin từ văn bản của UBND Tp.HCM, đơn giá đất của bảng giá đất cho khu vực đô thị đặc biệt tối đa chỉ 162 triệu đồng/m2, nên bảng giá đất của Tp.HCM theo Luật Đất đai năm 2013 trong nhiều năm gần đây không còn phù hợp và không phản ánh đúng tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Tp.HCM xin hướng dẫn gỡ vướng điều chỉnh bảng giá đất- Ảnh 1.
Dự thảo điều chỉnh bảng giá đất tại Tp.HCM đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Không chỉ doanh nghiệp và người dân cũng còn nhiều băn khoăn lo lắng.

Tp.HCM mỗi năm đều có tờ trình gửi Hội đồng Nhân dân (HĐND) Tp.HCM để thông qua hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) áp dụng cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực địa bàn có điều kiện, kinh tế xã hội khác nhau….

Theo thông tin từ UBND Tp.HCM, từ ngày 1/8/2024 (ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành) không có quy định việc UBND Tp.HCM hàng năm trình HĐND thành phố thông qua hệ số điều chỉnh giá đất (K) như Luật Đất đai năm 2013, nên bảng giá đất áp dụng sau ngày 1/8/2024 sẽ không áp dụng nhân hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024.

Tp.HCM nhận thấy việc sửa đổi, điều chỉnh Bảng giá đất được xây dựng theo Luật Đất đai năm 2013 (Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND Tp.HCM) là cần thiết, nhằm phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Đây cũng từng bước tiếp cận với giá thị trường sẽ được ban hành từ ngày 1/1/2026 theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Tuy nhiên, phía UBND Tp.HCM cũng cho rằng, đang gặp khó và vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8/2024 đến thời điểm bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 được ban hành.

Cụ thể vướng mắc như sau: Từ ngày 1/8/2024, nếu áp dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 mà không nhân với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024, thì không phù hợp điều kiện giá đất thực tế hiện nay tại địa phương.

Trong khi đó, nếu tiếp tục áp dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024, thì chưa được quy định hướng dẫn thực hiện.

Tp.HCM xin hướng dẫn gỡ vướng điều chỉnh bảng giá đất- Ảnh 2.
Tp.HCM nhận thấy việc sửa đổi, điều chỉnh Bảng giá đất được xây dựng theo Luật Đất đai năm 2013 (Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND Tp.HCM là cần thiết nhằm phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Do đó, nhằm tránh ách tắc trong quá trình giải quyết hồ sơ liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai phát sinh trong giai đoạn từ ngày 1/8/2024 đến khi bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 được ban hành, UBND Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện giải quyết nội dung vướng mắc nêu trên để Tp.HCM có cơ sở thực hiện.

Lấy ý kiến người dân về Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh

Liên quan đến Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh tại Tp.HCM, trong thời gian qua có rất nhiều luồng ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp, người dân vui buồn lẫn lộn gây nên “làn sóng” thông tin nhiều chiều về việc điều chỉnh bảng giá đất.

Thành ủy Tp.HCM đã công bố thông tin về việc tổ chức lấy ý kiến của người dân sinh sống trên địa bàn Tp.HCM về Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh thông qua hình thức online.

Tp.HCM xin hướng dẫn gỡ vướng điều chỉnh bảng giá đất- Ảnh 3.
Thành ủy Tp.HCM đã công bố thông tin về việc tổ chức lấy ý kiến của người dân về Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh thông qua hình thức online.

Cụ thể, thời gian khảo sát từ ngày 19/8 đến ngày 23/8. Trong đó, đáng chú ý là nội dung câu 5 và câu 7 của bảng khảo sát ý kiến. Cụ thể là khảo sát về tác động của bảng giá đất, một số thông tin liên quan đến giao dịch bất động sản như thuế, phí chuyển nhượng; chênh lệch giữa giá đất theo bảng giá nhà nước và giá đất trên thị trường tự do.

Ảnh hưởng đối với những người có thu nhập thấp hoặc trung bình trong việc mua nhà hoặc thuê đất; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng; thiếu các dự án nhà ở xã hội; xác định giá trị đất; nguy cơ bong bóng bất động sản.

Ngoài ra, trong phần lấy ý kiến còn có việc đề xuất của Sở Xây dựng Tp.HCM về việc nhà trọ muốn hoạt động phải đảm bảo diện tích sàn tối thiểu 5m2/người, hẻm rộng 4m, cách đường chính không quá 100m và có lối thoát hiểm.

Tp.HCM xin hướng dẫn gỡ vướng điều chỉnh bảng giá đất- Ảnh 4.
Việc điều chỉnh bảng giá đất tại Tp.HCM đang có tác động rất lớn đến người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (HoREA) Tp.HCM cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất là vấn đề liên quan rất lớn về kinh tế xã hội, về an sinh xã hội của người dân. Đề nghị cơ quan soạn thảo bảng giá đất nên đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, để thấu hiểu và thấy rõ là vì sao tại thời điểm hiện nay chưa nên ban hành bảng giá đất.

Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Minh Triều (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết: “Những ngày qua thông tin về điều chỉnh bảng giá đất tại Tp.HCM xuất hiện làm nhiều người vừa mừng vừa lo. Nhiều người dân có lợi thì vui mừng vì giá đất, giá nhà tăng nhanh chóng nếu Luật được áp dụng. Còn nhiều người lo vì tiền thuế đất tăng, khó tiếp cận việc mua nhà”.

Tp.HCM xin hướng dẫn gỡ vướng điều chỉnh bảng giá đất- Ảnh 5.
Thông tin về điều chỉnh bảng giá đất tại Tp.HCM là đề tài “nóng” trong những ngày gần đây.

“Việc điều chỉnh bảng giá đất thì cơ quan nhà nước cũng đã nghiên cứu kỹ và phải phù hợp với Luật hiện nay. Tuy nhiên, những người dân như chúng tôi cũng mong được ý kiến về vấn đề trên, vì vậy khi Thành phố có thông tin khảo sát người dân thì rõ ràng đang lắng nghe người dân, doanh nghiệp. Điều này thể hiện sự rõ ràng minh bạch. Việc điều chỉnh giá đất cho bằng với thị trường phù hợp với xu thế trước sau gì cũng phải làm. Nhưng làm sao cho phù hợp, cho người dân tiếp cận dễ dàng, không gây khó dễ cho người dân là sẽ được ủng hộ”, anh Triều cho hay.

Với Bảng giá đất điều chỉnh, giá đất nhiều nơi tăng cao

Dự thảo bảng giá đất mới được Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM xây dựng tăng phổ biến từ 10 – 20 lần so với giá đất của Bảng giá đất hiện hành.

Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), khi điều chỉnh giá đất thì khu vực một quận và 4 huyện có mức tăng giá đất tại một số vị trí đất trên 30 lần, cá biệt có một số vị trí đất tại huyện Hóc Môn có mức tăng giá đến 51 lần.

Theo dự thảo bảng giá đất, thì giá đất cao nhất tại Tp.HCM là 810 triệu đồng/m2 của 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1), tăng 5 lần so với giá đất 162 triệu đồng/m2 của Bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020.

Đường link khảo sát ý kiến người dân về Dự thảo điều chỉnh giá đất tại Tp.HCM:

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSdzkAUU2SkFpiPQ6ZhtiMoUaRUmARbjPRkUUjcIDyCYcEI6fQ/viewform

PV/Người Đưa Tin