Tờ Japan Times mới đây dẫn thông tin của Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV ngày 8/1 cho biết tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26 đã được triển khai tại khu vực cao nguyên và sa mạc phía tây bắc nước này.
Tên lửa DF-26 lần đầu xuất hiện chính thức vào năm 2015.
Thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi tàu khu trục dẫn đường USS McCampbell của Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên ánh hành động này, cho rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự của các vùng biển liên quan.
Tờ Global Times dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc Bắc Kinh triển khai tên lửa DF-26 dường như muốn phát đi thông điệp cứng rắn với Mỹ rằng: “Ngay cả khi được triển khai tại các khu vực sâu trong đất liền Trung Quốc, tên lửa DF-26 vẫn có tầm bắn đủ xa có thể bao trùm cả Biển Đông”.
Tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Dongfeng-26 (DF-26) chính thức được Lực lượng tên lửa thuộc Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLARF) đưa vào hoạt động từ ngày 26/4/2018 sau quá trình thử nghiệm và kiểm tra hoạt động kéo dài nhiều tháng.
Theo các thông tin đã được công bố, DF-26 có tầm bắn 3.000 – 4.000km, có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân nặng 1,2 – 1,8 tấn. Điều này có nghĩa Trung Quốc có thể tấn công thẳng vào lãnh thổ Mỹ ở đảo Guam hoặc DF-26 có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các tàu chiến trên biển, trong trường hợp có chiến tranh.
Ngoài ra, những quả tên lửa khổng lồ (nặng khoảng 20 tấn) này cũng có khả năng đe doạ các tàu sân bay lớp Nimitz, thậm chí các siêu tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân lớp Ford của Mỹ.
Theo Chu La/VietnamFinance/Japan Times