Home Doanh nhân Trương Mỹ Lan sử dụng tiền chiếm đoạt được vào mục đích...

Trương Mỹ Lan sử dụng tiền chiếm đoạt được vào mục đích gì? 

0

Với hàng triệu tỷ đồng được Ngân hàng SCB giải ngân, Trương Mỹ Lan đã mua, đầu tư các dự án bất động sản, duy trì hoạt động của các công ty. 

Chiều ngày 5/3, TAND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, Tham ô tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Cáo trạng truy tố Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 85 đồng phạm khác là cựu cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước, giám đốc các doanh nghiệp và người thân, thuộc cấp của Trương Mỹ Lan.

Hồ sơ điều tra - Trương Mỹ Lan sử dụng tiền chiếm đoạt được vào mục đích gì?
Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trong phiên xử buổi sáng, Trương Mỹ Lan và chồng là ông Chu Lập Cơ cho biết sức khỏe, tinh thần tốt để có thể tham gia phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí cho biết, rất chủ động hợp tác với cơ quan điều tra, gia đình cũng đã khắc phục toàn bộ hậu quả. Do bị đau cột sống, khó khăn trong việc đứng trong quá trình xét xử, HĐXX đồng ý cho ông Trí được ngồi trong quá trình xét hỏi tại tòa.

Cũng trong phần thủ tục, HĐXX thông báo về việc có thay đổi 1 kiểm sát viên tham gia công tố tại tòa. Cụ thể, kiểm sát viên Lê Trương Hà Linh (kiểm sát viên dự khuyết) thay thế kiểm sát viên Nguyễn Đức Long, do ông Long vừa nhận nhiệm vụ mới. Tòa hỏi có ai có ý kiến gì về sự thay đổi này không những không ai có ý kiến.

Cũng theo HĐXX, các luật sư tham gia phiên tòa không được vắng mặt, nếu vắng mặt thì coi như tự ý từ bỏ quyền bào chữa. Luật sư muốn vắng mặt phải được sự cho phép của HĐXX, nếu vì lý do khách quan mà luật sư phải vắng mặt ngày hoặc một khoảng thời gian nào đó khi xét xử, thì báo để HĐXX xem xét.

Chỉ trong một buổi, HĐXX đã tiến hành xong phần thủ tục. Chiều cùng ngày, mở đầu phần tranh luận, đại diện VKS công tố cáo trạng (160 trang) truy tố đối với các bị cáo.

Được xác định vai trò chủ mưu, cầm đầu, bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội danh, gồm: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.

Cáo trạng nêu hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan cụ thể như sau: Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có trụ sở tại số 193–203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh).

Quá trình hoạt động Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp (gọi tắt là Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát).

Trong đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ Cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết. Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB trong đó có hoạt động cho vay.

Từ trước thời điểm hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng. Sau khi hợp nhất, Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 01/01/2018.

Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB, trả mức lương cao từ 200 đến 500 triệu đồng/tháng; tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB, để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, trong đó có hoạt động cho vay.

Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt, Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.

Để rút được tiền từ Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chỉ đạo các đối tượng tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các Công ty Thẩm định giá, triển khai rút tiền từ SCB.

Trương Mỹ Lan chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, ký hợp thức chứng từ rút, nộp tiền để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB.

Kết quả điều tra xác định, có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên và sử dụng các công ty “ma” để lập hồ sơ vay khống, hồ sơ thể chấp khống.

Để hợp thức việc rút tiền đã được Ngân hàng SCB giải ngân theo phương án khống, cắt đứt, che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Anh, Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luận lập phương án thực hiện việc “giải quỹ” bằng việc lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống để có thể sử dụng tiền mà không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý đồng thời né tránh việc phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung và nhân viên SCB cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần,… đến ngân hàng ký chứng từ rút, nộp tiền.

Khi các khoản vay khống quá hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế theo quy định của NHNN, Trương Mỹ Lan không trả nợ mà còn chỉ đạo đồng phạm thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho VAMC và bán nợ trả chậm cho các chính các công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập để che giấu một phần số nợ xấu, không phải hạch toán lãi, giảm dư nợ tín dụng nhằm tiếp tục chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB.

Để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra, kiểm tra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của Ngân hàng SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, lãnh đạo NHNN Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại Ngân hàng SCB để các cá nhân có thẩm quyền trên bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.

Kết quả điều tra xác định: Trong giai đoạn từ ngày 01/01/2012 đến ngày 07/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng.

Trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB số tiền 304.096.278.409.456 đồng, gây thiệt hại số tiền 129.372.775.105.744 đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên.

Toàn bộ số tiền nợ gốc trên, Trương Mỹ Lan chiếm đoạt để phục vụ cho mục đích cá nhân như: mua, đầu tư các dự án bất động sản; duy trì hoạt động của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; trả nợ cá nhân,… Đến nay, các khoản vay trên không có khả năng thu hồi, chuyển nợ nhóm 5.

Cáo trạng truy tố Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm dài 160 trang. 14h30 chiều ngày 5/3, đại diện VKS bắt đầu công bố bản cáo trạng này. Đến 16h tòa nghỉ giải lao và đến 17h30 cùng ngày, chủ tọa phiên tòa thông báo kết thúc ngày làm việc thứ nhất.

Tính đến cuối ngày, đại diện VKS đã công bố được 43 trang cáo trạng và sẽ tiếp tục công bố cáo trạng vào ngày mai (6/3).

Công Thư – Thành Nhân

Link nguồn