Dự báo năm 2023, TS Cấn Văn Lực cho biết áp lực lãi suất, tỉ giá năm tới sẽ nhẹ hơn rất nhiều, khi Mỹ sẽ tăng lãi suất trong quý I, II/2023 sau đó dừng lại.
Hết sức chú ý vấn đề trái phiếu đáo hạn
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định nới thêm 1,5-2%, tức là nâng tổng tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng cả năm 2022 lên 15,5-16%. Năm nay, tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế cũng tương đối lớn.
Chia sẻ tại toạ đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp” sáng 13/12, TS Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – nói “không quá quan ngại việc hấp thụ vốn hiện nay”. Ông Lực phân tích, doanh nghiệp hiện đang rất cần vốn, đặc biệt là dịp cuối năm và nhất là trước Tết Nguyên đán. Chưa kể, năm nay, doanh nghiệp phải đội chi phí rất lớn, tăng thêm nhu cầu vốn của doanh nghiệp từ 7 – 14%.
Trong bối cảnh đó, các kênh huy động vốn rất khó. Đơn cử như trái phiếu doanh nghiệp có lượng phát hành giảm từ 35 – 40% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng doanh nghiệp bất động sản càng khó phát hành hơn.
Ông Lực đánh giá, việc nới room tín dụng đem lại tác động tích cực, giúp cho doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội khi tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh nhiều hồ sơ, nhiều công trình, dự án đang dở dang khi trái phiếu doanh nghiệp chưa phát hành được. Cùng đó, giúp cho giá cổ phiếu của khối bất động sản cũng phục hồi tích cực hơn trong mấy ngày vừa qua.
Song, vị chuyên gia cũng lưu ý đến các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp – cần phải khẩn trương tháo gỡ vì đây là kênh rất quan trọng với doanh nghiệp bất động sản. Do đó, cần sớm sửa Nghị định 65 để tháo gỡ khó khăn cả về cung và cầu cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ông cũng kiến nghị Bộ Tài chính mở hơn nữa kênh phát hành ra công chúng, để tăng tỉ lệ trong tổng giá trị phát hành.
Nhìn lại thị trường vừa qua, ông Lực lưu ý đến câu chuyện trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới, nhất là lĩnh vực bất động sản.
“Chúng ta không thể dùng tiền ngân sách để can thiệp nhưng phải tạo cơ chế, chính sách cho phù hợp có tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ, giãn, hoãn nợ, giãn, hoãn thuế, tăng tiếp cận vốn cho daonh nghiệp… là những giải pháp hoàn toàn nằm trong khả năng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Hiện nay, Bộ Tài chính đang ráo riết sửa đổi Nghị định 65 theo hướng cởi mở hơn”, TS Cấn Văn Lực đánh giá
Với điều hành tín dụng, vị chuyên gia kiến nghị cần sớm tiếp cận và có phương pháp gián tiếp nhiều hơn và khả thi, lâu dài. Tuy nhiên, việc điều hành tăng trưởng tín dụng, rút kinh nghiệm năm 2022, trong 6-7 tháng đầu năm tăng trưởng nhanh nên không lường được hết các khó khăn liên quan đầu tư công và phanh lại. “Do đó, cần cân nhắc “phanh” như thế nào để không tạo bất ngờ”, ông nói.
Cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá
Liên quan đến vấn đề cân bằng tốt hơn giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh đây là bài toán khó mà ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý các nước đều khó.
Ông dẫn ví dụ ở Mỹ, có cả hội đồng tính toán cẩn trọng trước mỗi lần tăng lãi suất. Do đó, cơ quan tham mưu cũng đang kiến nghị với Chính phủ cân bằng lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời kiến nghị cân bằng giữa rủi ro.
“Thời gian qua có thể chúng ta kiểm soát rủi ro mạnh quá làm tắc nghẽn không đáng có trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng. Do đó, cần phải cân bằng giữa ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Lực nêu.
Theo ông đánh giá, chính sách tiền tệ hiện vẫn đang thu hẹp, tỉ giá tương đối cao cao, lãi suất cao, dự trữ ngoại hối tương đối nhiều. Do đó, cần phải nhận diện thêm về chính sách tài khóa.
“Chúng tôi đang kiến nghị, năm tới, chính sách tài khoá cần có thêm chính sách hỗ trợ người dân như thuế, phí, có thể giãn, hoãn, hoặc giảm. Kể cả chuyện trợ giá, xăng dầu, năng lượng có làm tiếp không”, ông cho hay.
Yếu tố tiếp theo ông Lực chỉ ra phải là cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá. “Nếu bây giờ, muốn kiểm soát tốt tỉ giá như Ngân hàng Nhà nước đã làm thời gian qua thì phải tăng lãi suất. Nhưng vấn đề là tăng tới mức độ nào? Doanh nghiệp có chịu được không?”, ông Lực nói và cho biết đã có mô hình để tính toán sơ lược về vấn đề này.
Nói về dự báo trong năm 2023, ông Lực cho biết có yếu tố tích cực là áp lực lãi suất, tỉ giá năm tới sẽ nhẹ hơn rất nhiều, khi Mỹ sẽ tăng lãi suất trong quý I, II/2023 sau đó dừng lại. Và nếu đến quý IV năm sau, kinh tế Mỹ suy thoái họ có thể giảm lãi suất… Khi đó, Việt Nam tính toán việc cân bằng lãi suất và tỉ giá cho phù hợp.
Còn về cân bằng tài chính, trong năm 2021, tổng tín dụng chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng 11 tháng đầu năm nay nền kinh tế lại dựa hơi nhiều vào vốn tín dụng, riêng vốn cho bất động sản có tới gần 70% đến từ tín dụng khi kênh trái phiếu hạn hẹp, ách tắc, các kênh khác hạn chế.
Do đó, ông cho rằng, cần cân bằng hơn giữa các kênh trái phiếu trong nước và quốc tế, vốn tín dụng ngân hàng… Ngoài ra, một kênh khác cũng rất quan trọng là các quỹ mở, quỹ hưu trí, cũng là những nguồn vốn rất quan trọng cho vốn trung dài hạn.
Tại toạ đàm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là phối hợp đồng bộ các chính sách, tức cần chính sách chung và lựa chọn nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua tăng tín dụng cho nền kinh tế hoặc lãi suất cho vay không quá cao. Nhưng khi nới lỏng tiền tệ thì phải đối phó với nguy cơ lạm phát.
Theo ông Ánh, khi thông tin lạm phát lõi đang gia tăng, thì nguy cơ lạm phát tiền tệ trong năm 2023 rất cần lưu ý. Do đó các yếu tố liên quan cần được chú ý để tiếp tục kiểm soát lạm phát vì sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa, chính sách thuế….
Nguyễn Thu Huyền