Home Ngân hàng TS. Cấn Văn Lực: Không phải tất cả các ngân hàng đều...

TS. Cấn Văn Lực: Không phải tất cả các ngân hàng đều đóng cửa cho vay bất động sản

0

“Một số ngân hàng dừng cho vay, do đã hết hạn mức tín dụng cho vay bất động sản trong quý I chứ không phải tất cả các ngân hàng đều đóng cửa cho vay bất động sản, Ngân hàng nhà nước không có công văn như vậy”, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khẳng định.

TS Cấn Văn Lực: Ngân hàng nhà nước không có công văn chỉ đoạ tất cả các ngân hàng đóng cửa cho vay bất động sản.

Chia sẻ tại Hội nghị góp ý Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều ngày 28/4, nhiều doanh nghiệp cho biết việc ngân hàng siết van tín dụng bất động sản có thể gây ra những hệ luỵ xấu cho thị trường. “Thị trường bất động sản đang rất khó. Nếu không gỡ vướng được về vốn cho thị trường thì từ giờ đến cuối năm sẽ có rất nhiều khó khăn, hệ lụy. Các dự án bất động sản lớn, nhỏ đều sẽ dừng triển khai, thị trường bị tắc nghẽn, thậm chí có thể đi đến bờ vực phá sản”, ông Vương Quốc Toàn – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng khẳng định.

Ông Toàn còn cho biết, là doanh nghiệp chuyên về phân khúc nhà ở xã hội, có thể thấy vấn đề nhà ở xã hội đang là điểm nóng song bên cạnh việc chủ đầu tư khó tiếp cận vốn ngân hàng do chính sách siết tính dụng, người vay vốn mua nhà ở xã hội cùng khó tiếp cận vốn ngân hàng: “Các đối tượng vay vốn mua nhà ở xã hội đều là người thu nhập thấp nhưng chính sách của ngân hàng lại quy định người dân ở đô thị được vay, ở rìa đô thị hoặc ở nông thôn thì không được vay. Như vậy là các ngân hàng đi ngược lại với chính sách an sinh. Điều này quá bất cập, cho nên cần xem xét lại luật về tín dụng, cho vay. Đã là người thu nhập thấp thì đều được vay, không nên phân biệt hay cấm đoán”, ông Toàn nói.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỷ lệ dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản hiện ở khoảng 7% trong tổng dư nợ tín dụng – vẫn trong ngưỡng an toàn. Trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD – gấp ba lần so với năm 2020. Nhận định thực trạng này tiềm ẩn rủi ro cho thị trường, Chính phủ đã liên tiếp có các chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã liên tiếp có chỉ đạo các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Thực tế, bên cạnh việc thanh lọc, tạo sự ổn định cho thị trường và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, nhiều ý kiến cũng cho rằng các động thái trên sẽ có sự ảnh hưởng đến thị trường. “Không phải nhà đầu tư nào cũng có nhiều tiền để làm dự án, nhiều nhà đầu tư làm 2 – 3 dự án cùng lúc, nếu tín dụng ngân hàng và trái phiếu bị siết chặt, dự án chưa đủ điều kiện để bán tài sản hình thành tương lai, chủ đầu tư sẽ không có tiền thực hiện dự án, nguồn cung sẽ ít đi, giá bất động sản sẽ càng tăng và gây khó khăn cho thị trường”, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng quỹ đất, tín dụng và trái phiếu ngày càng khó khăn, điều này dẫn tới hệ quả, nguồn cung nhà ở sắp tới sẽ khan hiếm hơn, trong khi nhu cầu tăng, làm giá bất động sản tăng theo.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho biết: “không phải tất cả các ngân hàng đều đóng cửa cho vay bất động sản, hiện nay Ngân hàng Nhà nước không có công văn này.Về việc một số ngân hàng dừng cho vay, do một số ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng cho vay bất động sản trong quý I. Bên cạnh đó, do một số chủ đầu tư có sai phạm và đang bị điều tra, xử lý cho nên ngân hàng phải khoanh lại các đối tượng cho vay. Còn việc cho vay mua nhà, sửa nhà vẫn rất tích cực”. TS Lực cũng cho rằng các doanh nghiệp cần phải sáng tạo hơn huy động các nguồn vốn khác chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, thị trường bất động sản đang ở thời điểm tương đối nhạy cảm khi liên quan đến nhiều vụ việc của các lãnh đạo doanh nghiệp lớn dẫn đến việc Ngân hàng quản lý chặt chẽ tín dụng đối với thị trường bất động sản, hạn chế tín dụng cho bất động sản. “Theo tôi, điều này là hoàn toàn đúng nhưng sự điều chỉnh của chính sách ngân hàng đang là quá bao quát, không phân luồng cụ thể. Vì vậy, có sự ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp bất động sản”. Ông Lộc cũng nêu quan điểm: gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất hiện nay là gói hỗ trợ niềm tin cho các doanh nghiệp vào cơ quan quản lý Nhà nước, niềm tin vào sự hồi phục. Vì vậy, việc tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp là điều rất quan trọng.

“Hiện nay, những sai phạm của doanh nhân là cần phải xử lý nhưng không có nghĩa là bỏ lại doanh nghiệp mà phải hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người dân nên quan tâm”, ông Lộc nhấn mạnh.

Hà An

Link nguồn: https://ngaynay.vn/ts-can-van-luc-khong-phai-tat-ca-cac-ngan-hang-deu-dong-cua-cho-vay-bat-dong-san-post120229.html