TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc mỗi gia đình sở hữu một căn hộ là điều không khả thi. Việc sở hữu nhà chỉ đặt ra với người thu nhập trung bình khá.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, đến năm 2020, nhu cầu nhà ở thu nhập thấp tại Việt Nam là 17,2 triệu m2, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 14,1 triệu m2. Mục tiêu đáp ứng đến năm 2020 là 12,5 triệu m2 nhà cho người thu nhập thấp, 10 triệu m2 nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và 7 triệu m2 nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cho thuê.
Ông Kiên cho rằng nhu cầu nhà ở như trên là rất lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của nền kinh tế. Dù nhà nước đã có nhiều cố gắng nhưng không có đủ nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
Thống kê cho thấy trong 3 năm, với sự hỗ trợ của nhà nước, cả nước mới triển khai được 84 dự án nhà ở xã hội với 52.000 căn hộ, tổng mức đầu tư gần 24.000 tỷ đồng và 39 dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp với 27.000 căn hộ, tổng mức đầu tư trên 6.800 tỷ đồng.
“Như vậy, nếu vẫn sử dụng phương thức tạo lập nhà ở cho người có thu nhập thấp theo phương pháp cũ thì sẽ khó đạt được các mục tiêu ổn định xã hội và nâng cao đời sống của người lao động”, ông Kiên nhận định.
Theo ông Kiên, trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục thực hiện chính sách mua bán nhà ở và thực hiện theo quan điểm mỗi người lao động phải mua được một căn hộ là điều khó khả thi.
Kinh nghiệm từ các nước Bắc Âu, các nước áp dụng nền kinh tế thị trường xã hội hoặc ngay cả các nước G7 cho thấy vấn đề đặt ra mỗi hộ gia đình phải sở hữu một căn hộ cũng là không khả thi.
“Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và các văn bản liên quan không quy định nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho công dân sở hữu nhà ở mà chỉ khẳng định nhà nước tạo điều kiện cho công dân có chỗ ở ổn định.
“Như vậy, cần phải có một nhận thức mới về vấn đề này theo hướng nhà nước và các nhà đầu tư trong lĩnh vực nhà ở, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xây dựng một hệ thống nhà ở cho người lao động thuê trong thời gian làm việc tại các khu công nghiệp và hình thành hệ thống nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm chính quyền trung ương và địa phương, để người dân thuê lại với giá hợp lý. Việc sở hữu nhà ở chỉ đặt ra với những người có thu nhập trung bình khá trở lên”, ông Kiên bình luận.
Theo ông Kiên, nếu thực hiện theo phương án này thì nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và tiến hành xây dựng các khu nhà ở xã hội ít gặp khó khăn trong việc đền bù và tái định cư cho những người bị thu hồi đất; không tạo ra mâu thuẫn giữa những cư dân địa phương bị thu hồi đất với những người đến ở trong các khu nhà xã hội được xây dựng trên các mảnh đất đó.
Ưu điểm khác của phương án này là nhà nước vẫn giữ được quỹ đất và tài sản hình thành trên đất là tài sản công.
Về việc định giá cho thuê, nhà nước sẽ căn cứ vào thu nhập thực tế của từng giai đoạn của người lao dộng, có chính sách bù lỗ thông qua việc bảo trì căn hộ, duy trì các diện tích công cộng sử dụng chung như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí của trẻ em và người già…
“Điều này tránh được tình trạng lợi nhuận có được từ chênh lệch địa tô rơi vào túi một số đối tượng, gây bất bình trong xã hội và làm phân hóa sâu sắc hơn khoảng cách giàu nghèo”, ông Kiên phân tích.
Theo Lê Nguyễn/VietnamFinance