PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
“Khu vực kinh tế tư nhân có vẻ đang tìm ra một cách khác để phát triển, đó không phải là mạnh ai nấy làm nữa, không li ti nữa mà đã bắt đầu khẳng định vai trò của các tập đoàn lớn”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.
Sáng 5/10, Tạp chí Nhà Đầu tư đã tổ chức “Tọa đàm phát triển kinh tế tư nhân – rào cản và giải pháp”. Bên lề tọa đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên đã có những chia sẻ, đánh giá về kinh tế tư nhân Việt Nam.
Theo ông Thiên, từ khi bắt đầu đổi mới, kinh tế tư nhân đã làm được một việc quan trọng là đứng lên cứu nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Chính sách quan trọng nhất của Nhà nước khi ấy là cho phép kinh tế nhiều thành phần. Tuy nhiên, sau đó Nhà nước lại có tinh thần “mặc kệ, tức là sự quan tâm không đầy đủ, tính chất phân biệt đối xử, kì thị nhiều với kinh tế tư nhân”.
“Kinh tế tư nhân Việt Nam nhờ sức sống mạnh nên vẫn phát triển được nhưng rất vất vả. Dù bây giờ, thực lực của kinh tế tư nhân đã lớn hơn nhưng nếu trong 30 năm qua chúng ta quan tâm hơn nữa về chính sách, có môi trường kinh doanh cởi mở, không phân biệt đối xử thì kinh tế tư nhân đã tốt hơn”, ông Thiên nói.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng lưu ý rằng trong vài năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đã nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, nhất là khi khu vực kinh tế nhà nước bộc lộ sự kém hiệu quả, lãng phí và là túi nợ của quốc gia.
“Từ Nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương 5, Chính phủ đã triển khai hàng loạt giải pháp tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân như Nghị quyết 35, được xem như một dấu mốc lịch sử. Từ dấu mốc đấy, Chính phủ đã nỗ lực kinh khủng để tháo gỡ trói buộc cho kinh tế tư nhân, nỗ lực giảm chi phí, tạo môi trường cạnh tranh thông thoáng, bình đẳng hơn’, ông Thiên nhìn nhận.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng dưới tác động của chính sách, kinh tế tư nhân Việt Nam đang dần có sự thay đổi cơ bản. “Nếu như trước đây, kinh tế tư nhân sống theo kiểu gặp chăng hay chớ, đến đâu hay đến đó, chỉ biết đầu cơ, kiếm chác ngắn hạn, không có tầm nhìn chiến lược thì bây giờ, khu vực kinh tế tư nhân có vẻ đang tìm ra một cách khác để phát triển. Đó không phải là mạnh ai nấy làm nữa, không li ti nữa mà đã bắt đầu khẳng định vai trò của các tập đoàn lớn.
“Các tập đoàn này cũng đã biết tạo dựng chân dung của mình một cách đàng hoàng hơn, chứ không để mang tiếng là đầu cơ, chụp giật, kiếm chác, sân sau nữa. Bây giờ xu hướng là đầu tư thực, vươn ra thế giới tăng lên, các tập đoàn tỏ ra mình xứng đáng là trụ cột của kinh tế tư nhân. Tôi cho rằng đây là động thái rất tốt”, ông Trần Đình Thiên bình luận.
Chia sẻ thêm về tình hình kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018, ông Thiên cho rằng các số liệu và dự báo tăng trưởng của Tổng cục Thống kê là “có thể tin được”.
Tuy nhiên, ông cho rằng điều quan trọng nhất không nằm ở con số tăng trưởng mà nằm ở việc quá trình cải cách vẫn đang giữ được nhịp.
“Cơ cấu tăng trưởng vẫn giữ được việc chuyển dịch từ khai thác sang chế biến chế tạo. Các nỗ lực cải cách của Chính phủ vẫn được duy trì và đẩy lên. Dù rất khó khăn, Chính phủ vẫn quyết tâm thúc đẩy quá trình này. Điều đó tạo ra niềm tin rất lớn”, ông Thiên nói.
Theo Vĩnh Chi/Vietnamfinance