Tuần 28/1 – 1/2 là tuần cuối VN-Index giao dịch trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi. Nhiều công ty chứng khoán đánh giá thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co như các tuần giao dịch trước đó.
TTCK tuần 28/1 – 1/2: Giằng co khó chịu trong tâm lý nghỉ Tết?
Diễn biến thị trường tuần 21/1 – 25/1 tiếp tục không khác nhiều so với tuần trước đó với xu hướng chủ đạo vẫn là giằng co. Thanh khoản duy trì ở mức thấp và sự phân hóa mạnh ở các cổ phiếu lớn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng gồm CTG, VCB, MBB, STB, VPB, và EIB phục hồi mạnh, hỗ trợ xu hướng trong khi VHM, MSN, CTD, SAB, và PLX lại hạn chế đà tăng của chỉ số. Kết quả kinh doanh quý IV của khối Ngân hàng tích cực đã ảnh hưởng phần nào đến diễn biến của nhóm cổ phiếu này, trong khi phần còn lại thị trường vẫn phản ứng yếu ớt trong bối cảnh thanh khoản thấp và tâm lý nghỉ Tết lan rộng.
Với thị trường phái sinh, với việc VN30 hồi phục sau tuần giảm điểm với mức tăng 1,5%, các hợp đồng tương lai (HĐTL) tăng mạnh đều 3% qua đó kéo chênh lệch giá so với VN30 thu hẹp lần lượt còn -0,2%, -0,1% và -0,3% ở các kỳ hạn. Thanh khoản bình quân hồi phục trở lại với giá trị bình quân đạt 12.089 tỷ/phiên, tăng 38% so với tuần trước. Hợp đồng mở (OI) tăng nhẹ 1% so với cuối tuần trước, đạt 22.222 hợp đồng.
Công ty chứng khoán BSC đánh giá, VN30 vẫn trong quá trình vận động tích lũy dưới ngưỡng kháng cự quan trọng tại 870 điểm. “Basis” thu hẹp đáng kể và nếu xu hướng không thể vượt ngưỡng kháng cự thì hoạt động bán ra có thể xảy ra trong tuần tới.
Xét trong cả tuần giao dịch vừa qua (21/1 – 25/1), ngành Thủy sản dẫn đầu, tăng 4,22% (MPC +7,7%, VHC +2,9%), Ngân hàng tăng +2,71% (CTG +9,5%, VCB +1,1%) và ngành Chứng khoán tăng +2,38% (SSI +4,0%, HCM +4,4%). 3 ngành giảm điểm mạnh nhất trong tuần là Giáo dục -2,98% (VNB -6,8%, SED -1,8%), Sản xuất KD -0,88% (PAC -5,7%, TLG -1,3%) và Cao su -0,88% (DRC -3,6%, CSM -1,3%).
Smallcap giữ nguyên, Midcap tăng +1,1% và Largecap tăng +1,5%.
Khối ngoại bán ròng -0,61 tỷ trên sàn HSX và 44,39 tỷ trên HNX. Khối ngoại mua 120,4 tỷ STB, 98,9 tỷ CTG trong khi bán ròng -111 tỷ DHG và -62,5 tỷ PLX. Trên cả 3 sàn, top 10 mã mua ròng mạnh nhất mang về 561 tỷ và khối ngoại rút -465,5 tỷ từ top 10 mã bán ròng.
Khối tự doanh mua ròng 74,57 tỷ đồng. Hoạt động mua ròng mạnh diễn ra vào đúng phiên thứ 5, còn lại bán ròng trong cả tuần. Khối tự doanh mua MSN 158,9 tỷ; VIC 30,6 tỷ, HPG 21,5 tỷ và bán mạnh MWG -65,7 tỷ, VHM -45,03 tỷ và E1VFN30 -39,2 tỷ.
Chiến lược giao dịch nào sẽ hợp lý cho tuần giao dịch cận Tết?
Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục giằng co tạo nền trong tuần tới. Chỉ số trong ngắn hạn sẽ tiếp tục vận động tích lũy quanh 900 điểm. Trong trung/dài hạn, nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát khi xu hướng chưa rõ ràng, biến động lớn tiêu cực vẫn có thể xảy ra khi lực mua yếu.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam thì cho rằng thị trường có thể sẽ thử thách lại vùng kháng cự 919 – 920 điểm trong phiên cuối tuần. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Largecaps sẽ có chuyển biến tích cực và rõ ràng hơn trong vài phiên tới. Ngoài ra, tỷ trọng giảm nhẹ cho nên chiến lược ngắn hạn là hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của Yuanta Việt Nam vẫn duy trì mức TĂNG xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index với mức cắt lỗ 890,97 điểm và mức GIẢM xu hướng ngắn hạn của chỉ số HNX-Index với mức kháng cự 104,80 điểm.
Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đánh giá, trên đồ thị ngày, những cây nến nhỏ liên tiếp hình thành thể hiện sự lưỡng lự ở cả bên mua và bán. Điều này khiến cho dao động giằng co có thể sẽ duy trì trong một vài phiên tới trước khi phát đi tín hiệu về diễn biến tiếp theo.
Kịch bản tăng điểm với sự nâng đỡ của nhóm vốn hóa lớn được TVSI đánh giá cao sẽ trở lại sau giai đoạn tích lũy. Mặc dù vậy nếu không có sự cải thiện mạnh mẽ của yếu tố thanh khoản, chỉ số khó có thể tiến xa từ vùng giá hiện tại.
Bên cạnh đó, dù kịch bản trên có xảy ra thì đây vẫn chỉ được coi là nhịp hồi phục, dao động đi ngang vẫn đang là xu hướng chính trong ngắn hạn.
“Vì vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt và hạn chế mua đuổi trong những phiên tăng mạnh”, TVSI khuyến nghị.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường vẫn duy trì nhịp đi ngang với các nhịp tăng giảm xen kẽ trong biên độ nhỏ. Mức độ dồn nén đang ở mức khá cao và các biến động lớn có thể sẽ sớm xuất hiện. Nhà đầu tư nên tiếp tục tập trung vào các mã cổ phiếu riêng lẻ và không cần quá quan tâm đến các chỉ số chung.
Với Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), nhận định được đưa ra là VN-Index trong tuần giao dịch cận Tết có thể sẽ tiếp tục giằng co khó chịu với thanh khoản thấp, kháng cự gần nhất tại 915 điểm (MA10 tuần) và hỗ trợ gần nhất là ngưỡng tâm lý 900 điểm.
Nhà đầu tư vẫn nên hạn chế mua vào trong thời điểm này và có thể tận dụng những phiên tăng điểm để cơ cấu lại danh mục.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, chỉ số VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục biến động theo hướng đi ngang trong biên độ hẹp. Thanh khoản của thị trường được dự báo tiếp tục được duy trì ở mức trung bình thấp. Tỷ trọng được khuyến nghị duy trì ở mức 25-35% cổ phiếu.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo trong những phiên giao dịch đầu tuần tới (28/1 – 1/2), thị trường sẽ tiếp tục có những biến động nhỏ với nền tảng thanh khoản thấp và sự phân hóa. Nhưng xu hướng chung của VN-Index vẫn là tăng nhẹ để hướng lên kháng cự mạnh tại 918 điểm. Sự rung lắc mạnh, thậm chí điều chỉnh giảm có thể sẽ xuất hiện tại đây và nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu dùng đòn bẩy trong những nhịp tăng điểm của thị trường.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá, thị trường có thể đang vận động giằng co theo kịch bản “Sideway-up”. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc thực hiện chiến lược lướt sóng với tỷ trọng nhỏ, trên các cổ phiếu có cơ bản tốt, có thông tin hỗ trợ tích cực từ kết quả kinh doanh quý IV/2018 khả quan hoặc hưởng lợi từ các hiệp định thương mại.
Theo Thiên Đồng/VietnamFinance