Home Tiêu điểm ‘Tư lệnh’ ngành Công thương nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm năm...

‘Tư lệnh’ ngành Công thương nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2019

0

Tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế; đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu; phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tiếp tục tập trung hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ; tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới… là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương trong năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu 8 nhiệm vụ năm 2019

Tại hội nghị ngành Công Thương diễn ra sáng nay (17/1), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết năm 2018 được xem là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Tính chung cả năm, xuất khẩu cả nước đã đạt 245 tỷ USD (tăng 13,8% so với năm 2017), vượt xa chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao; có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Bộ trưởng cũng cho biết ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội như: xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 23,1%; sang thị trường Nhật Bản tăng 12,9%; sang thị trường Trung Quốc tăng 18,5%….

Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm soát khâu nhập khẩu đã được thực hiện có hiệu quả, qua đó đã tạo thặng dư thương mại năm thứ 3 liên tiếp và đạt ở mức rất cao 7,2 tỷ USD.

Đáng chú ý, Bộ trưởng cho hay 2 năm nỗ lực triển khai nhiệm vụ xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã cho thấy những kết quả tích cực. Đến thời điểm hiện tại, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi.

“Trong số 3 nhà máy trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 2 nhà máy vận hành sản xuất trở lại, cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt là Nhà máy sản xuất xơ sợ Đình Vũ và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Các dự án khác đều đang được khẩn trương xử lý các vấn đề tồn tại theo đúng lộ trình”, Bộ trưởng nói.

Cũng tại hội nghị sáng nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nêu lên 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 của ngành Công Thương.

Một là, tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Cùng với đó là tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.

Bộ Công Thương xác định đây tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm xuyến suốt, có ý nghĩa quyết định trong quá đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ giao cho Bộ.

Theo Bộ trưởng, năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa 79 thủ tục hành chính; nâng cấp mức độ các dịch vụ công trực tuyến của Bộ để đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ có 173/291 dịch vụ được thực hiện ở cấp độ 3 và 4.

Hai là, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương theo đề án được Thủ tướng phê duyệt gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai nhiệm mạnh mẽ và thực chất cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 trong các lĩnh vực hoạt động của ngành.

Trong đó xác định trọng tâm tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo phải được đẩy mạnh thực hiện trên nguyên tắc chất lượng, lấy việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu làm tiêu chí cho quá trình này.

Ba là, rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng và thực hiện các cơ chế chính sách, biện pháp để bảo đảm cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong dài hạn và theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực kinh tế ngoài nhà nước….

Bốn là, thực hiện tốt công tác phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước để tiếp tục tập trung hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương theo đúng quy hoạch, phương án, lộ trình được phê duyệt.

Năm là, tập trung xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nước ngoài. Theo đó, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua rào cản thương mại, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Sáu là, thực hiện đổi mới công tác theo dõi, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bộ Công Thương sẽ tham mưu với Chính phủ và Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập tập trung đổi mới công tác tổ chức thực thi các cam kết hội nhập.

Đặc biệt, Bộ sẽ làm rõ cơ chế theo dõi, giám sát, đôn đốc và đề cập rõ trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan có liên quan trong quá trình tổ chức thực thi cam kết hội nhập để bảo đảm có hiệu quả hơn.

Bảy là, nhanh chóng tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới gắn với thay đổi phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước.

Tám là, tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 sau khi được Thủ tướng phê duyệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững hơn cho khu vực thị trường trong nước, tiếp tục làm trụ đỡ quan trong cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Theo Lệ Chi/VietnamFinance