Home Ấn tượng 24H Vì sao ACB lãi kỷ lục gần 6.400 tỷ đồng năm 2018,...

Vì sao ACB lãi kỷ lục gần 6.400 tỷ đồng năm 2018, gấp 2,4 lần năm trước?

0

Mức lợi nhuận ấn tượng của ACB ngoài việc đến từ tăng trưởng khả quan của mảng tín dụng, còn đến từ việc ghi nhận lượng lãi thuần từ hoạt động khác lên tới trên 1.800 tỷ đồng (tăng gấp đôi), cùng với đó là việc giảm mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần từ 49% xuống 12,7%.

ACB lãi kỷ lục 6.388 tỷ đồng năm 2018, gấp 2,4 lần năm trước

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 với lợi nhuận trước thuế cả năm rất ấn tượng: 6.388 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này gấp 2,4 lần năm 2017.

Mảng kinh doanh cốt lõi: tín dụng – đầu tư, đem về cho ACB 10.362 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong năm 2018, tăng 22,5% so với năm 2017. Cùng với đó, biên lợi nhuận (thu nhập lãi thuần/thu nhập lãi) mảng này tiếp tục tăng, từ 41,6% lên 43,1%, cho thấy hiệu quả kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Năm 2018, mảng dịch vụ đem về cho ACB 1.497 tỷ đồng lãi thuần, tăng 26%. Mảng mua bán chứng khoán đầu tư đem về 168 tỷ đồng lãi thuần, bằng gần 1/3 năm 2017. Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ thuần 78,3 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi thuần 25,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là năm qua, ACB thu về tới 1.814 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động khác, gấp đôi năm 2017. Ngân hàng không thuyết minh rõ hoạt động nào đem về bao nhiêu lãi thuần, tuy nhiên nhiều khả năng một lượng lớn lãi thuần là đến từ việc thu hồi nợ xấu đã xử lý dự phòng rủi ro.

Kết thúc năm 2018, lợi nhuận thuần của ACB đạt 7.320 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2017. Sở dĩ lợi nhuận trước thuế tăng gấp 2,4 lần là do năm qua, ngân hàng này đã giảm mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần từ 49% xuống 12,7%.

Tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của ACB đạt 329.333 tỷ đồng, tăng 15,8% so với hồi đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 230.527 tỷ đồng, tăng 16,1%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,73%.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của ACB đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 21.017 tỷ đồng, tăng tới 31% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức 269.998 tỷ đồng, tăng 11,9%; trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 15,8%.

Theo Minh Tâm/VietnamFinance