Home Ngân hàng Vì sao giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài...

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm?

0

Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm do dự án đã được bố trí vốn, hoàn thành thủ tục nhưng chậm triển khai công tác sẵn sàng đầu tư.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước cho các Bộ, ngành là hơn 11.858 tỷ đồng. Theo số liệu trên hệ thống Tabmis, tính đến hết ngày 31/5/2023, tỉ lệ nhập dự toán chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn nước ngoài được giao của các Bộ, ngành đạt 92,36% (10.953 tỷ đồng).

Ước 6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài đạt 27,4% (tương đương 3.251 tỷ đồng), tỉ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng).

Về tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài, có 5/11 Bộ, ngành là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giáo dục và đào tạo và Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3 Bộ là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông vận tải (30,97%). Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (30,56%), 2 Bộ còn lại có số giải ngân rất ít, Bộ Tài nguyên và môi trường (4,19%), Bộ Giáo dục và đào tạo (5,26%).

Về kế hoạch vốn 2022 kéo dài, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 của các Bộ, ngành được kéo dài sang năm 2023 là hơn 1.042 tỷ đồng. Hiện các Bộ, ngành đã bắt đầu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2022 kéo dài.

Kinh tế vĩ mô - Vì sao giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm?
Dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm do dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư.

Bên cạnh đó, dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay. Việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai.

Trước những vướng mắc trên, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Đối với các cơ quan chủ quản, cần rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân.

Đồng thời, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án.

Đối với các chủ dự án, tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân; điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn vay, viện trợ, đối ứng. Chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và các Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như công tác quy hoạch, đấu thầu và công tác kế hoạch, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các dự án lâu không khắc phục được các vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, các dự án khó có khả năng hoàn thành kế hoạch, dự kiến hủy một phần hoặc toàn bộ dự toán, và đã hủy năm trước, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chế tài xử lý và 4 kiến nghị không giao kế hoạch vốn năm tiếp theo khi chưa khắc phục, giải quyết được các vướng mắc.

Bộ Tài chính cam kết tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, thực hiện kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

Trần Thị Tú Anh

Link nguồn