Home Ấn tượng 24H Vì sao nhà tái định cư rơi vào cảnh “hoang vu, tiêu...

Vì sao nhà tái định cư rơi vào cảnh “hoang vu, tiêu điều”?

0

Không chỉ tồn tại nhiều bất cập trong quản lý, vận hành, nhiều tòa chung cư ở Hà Nội đã và đang rơi vào cảnh hoang vu, vắng bóng người do người dân không đến nhận nhà, không về ở.

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 170 tòa nhà tái định cư (TĐC) với khoảng 14.000 căn hộ đã hoàn thành. Tuy nhiên, người dân ở các khu nhà tái định cư liên tục phản ánh về chất lượng nhà như sụt lún, hư hỏng kéo dài, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) tê liệt… gây bức xúc ở nhiều nơi.

Có thể kể đến những khu nhà ở TĐC như Long Biên, Việt Hương, Đền Lừ, Đồng Tàu hay Nam Trung Yên… Nhiều người cảm thấy bức xúc trước tình trạng sụt lún, thiếu nước sinh hoạt, nhà để xe như bãi đá bỏ hoang hay việc bắc gạch “qua sông” mỗi khi đường ống vệ sinh bị tắc nghẽn, tình trạng các hàng quán bán đồ ăn lấn chiếm vỉa hè, không gian sinh hoạt chung diễn ra phổ biến…

Chủ đầu tư đề xuất phá bỏ 3 tòa nhà tái định cư thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) 

Cùng với hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng thì tình trạng nhà TĐC bỏ hoang ở Thủ đô cũng đang khiến nhiều người không khỏi xót xa, tiếc nuối. Con phố trung tâm Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mọc lên chung cư hơn 20 tầng đẹp đẽ nhưng bỏ hoang nhiều năm nay. Đây là dự án TĐC với khoảng 154 căn hộ do CTCP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư. Năm 2015, chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án sau nhiều năm bỏ hoang. Cứ ngỡ người dân sẽ được dọn về ở tại vị trí trung tâm, nhưng gần 4 năm trôi qua, tòa nhà vẫn trong cảnh hoang vu vì chưa có người đến ở.

Ba tòa nhà TĐC ở khu đô thị Sài đồng thuộc quản lý của Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) cũng trong tình cảnh hoang lạnh. Phần nhiều diện tích khuôn viên, sân chung đã bị cỏ mọc, xen lẫn với những khoảnh đất trồng rau xanh do người dân tận dụng đất bỏ không. Những khối nhà đã bị bong tróc mảng tường, không có người sinh sống…

Theo tìm hiểu, Hanco3 đã đề xuất phá bỏ ba tòa nhà bỏ hoang này để chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới nhưng vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân do sự lãng phí trong đầu tư 150 căn hộ trong hơn 10 năm qua.

Nhiều khu TĐC khác có tới 50% căn hộ cửa đóng then cài là nhà A 14 KĐT Nam Trung Yên; các khối nhà CT1A, B, C của khu TĐC thành phố giao lưu(quận Bắc Từ Liêm)… Hay khu chung cư TĐC Hoàng Cầu với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 về cơ bản đã hoàn thiện, thế nhưng mỗi tòa chỉ có vài hộ về ở.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có nhiều căn hộ chung cư bỏ hoang và thực sự là sự lãng phí lớn trong thời buổi tấc đất tấc vàng ở thủ đô, nhu cầu sử dụng nhà ở căng thẳng và nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở còn hạn chế.

Những khu nhà tái định cư xuống cấp nhanh chóng 

Theo các chuyên gia xây dựng, nhà TĐC rơi vào thảm cảnh “hoang vu, tiêu điều” do nhiều nguyên nhân như: chủ trương chưa gắn liền với thực tế, bố trí quỹ đất chưa phù hợp, chủ đầu tư chậm xây dựng nhà tái định cư hay chất lượng xây dựng kém, hạ tầng không đồng bộ, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân…

Hơn nữa, nhà TĐC vẫn đang được hiểu là một sản phẩm đầu tư của Nhà nước, đầu tư bằng tiền ngân sách nên không phù hợp với nhu cầu thực sự của người dân.

Trước những bất cập về chính sách TĐC, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đang trình xin ý kiến thành phố cho phép nếu nhà TĐC sau hai năm không có người ở sẽ bố trí cho hộ dân khác. Ngoài ra trong quá trình đền bù, có hình thức trả bằng tiền để người dân tự đi mua nhà khác phù hợp.

Từ nay đến năm 2020, Hà Nội đứng trước nhiệm vụ phải hoàn thành GPMB nhiều dự án, bố trí TĐC cho hơn 20 nghìn hộ dân. Quỹ nhà TĐC ở Hà Nội khá lớn, song sẽ phải triển khai như thế nào để được lòng dân vẫn là câu hỏi khó.

Theo Nam Khôi/Thời báo chứng khoán