Với việc cổ phiếu HPG tăng trần 2 phiên liên tiếp, giá trị tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long đã trở lại con số tỷ USD.
Theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes vào ngày 18/11, tài sản của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long là 1,2 tỷ USD, tăng 117 triệu USD, tương đương 11,18%. Với kết quả này, ông Long đã trở lại danh sách tỷ phú USD và xếp hạng 2279 trên thế giới.
Trước đó, ông Long đã rời khỏi bảng xếp hạng tỷ phú vào ngày 10/11 với giá trị tài sản chỉ còn 942,3 triệu USD.
Việc ông Long trở lại danh sách tỷ phú USD diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng trần trong 2 phiên liên tiếp. Đáng chú ý, lần gần nhất cổ phiếu HPG tăng trần 2 phiên liên tiếp đã cách đây hơn 10 năm kể từ tháng 9/2012.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 17/11, cổ phiếu HPG tăng trần với giá 14.250 đồng/cổ phiếu. Lực mua mạnh mẽ đã kéo cổ phiếu này tăng kịch trần, thậm chí trắng bên bán chỉ ít phút sau phiên ATO với dư mua hàng triệu đơn vị. Hôm qua, có đến 21 triệu cổ phiếu HPG được sang tay, tương đương giá trị 304,4 tỷ đồng trong đó khối ngoại mua vào tới 88 tỷ đồng.
Dù có 2 phiên bứt phá tăng trần nhưng thị giá HPG vẫn còn thấp hơn gần 68% so với thời điểm đạt đỉnh, theo đó, vốn hóa cũng mất 172.400 tỷ đồng, tương đương 7,2 tỷ USD sau hơn một năm.
Hiện tại, ông Long là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát khi nắm giữ hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương tỉ lệ 26,08% vốn. Cùng với vợ là bà Vũ Thị Hiền, ông Long hiện liên quan tới khoảng 2,03 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương gần 35% vốn của doanh nghiệp này.
Với đà phục hồi mạnh mẽ của cổ phiếu HPG giúp khối tài sản của ông Trần Đình Long ghi nhận mức tăng thêm hơn 3.260 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch gần nhất, đạt khoảng 21.760 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong một báo cáo mới nhất của công ty chứng khoán SSI đã hạ dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 HPG xuống mức 10.200 tỷ đồng, giảm 16% so với ước tính đầu tháng 11, tương ứng với khoản lỗ ròng 270 tỷ đồng trong quý 4/2022.
Trước đó, các chuyên gia tại đây vẫn đưa ra nhiều dự báo lạc quan về cổ phiếu HPG. Nhìn vào lịch sử dự báo, từ đầu năm 2022, SSI Research đã đưa ra 3 dự báo với quan điểm lạc quan về cổ phiếu HPG trước khi hạ khuyến nghị xuống mức trung lập vào đầu tháng này.
Cùng với đó, SSI duy trì khuyến nghị phù hợp với thị trường đối với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 12 tháng 15.700 đồng/cổ phiếu, dựa trên P/E không đổi và EV/EBITDA lần lượt là 7,5 và 5,5 lần, với trọng số ngang bằng.
SSI Research nhận thấy chưa có nhiều yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn trong bối cảnh thị trường bất động sản chững lại cùng với triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh diễn biến không thuận lợi như vậy có thể là cơ hội để những công ty hàng đầu như HPG củng cố vị thế trên thị trường trong dài hạn.
Yếu tố hỗ trợ tăng giá/rủi ro giảm giá đối với khuyến nghị của SSI là sản lượng tiêu thụ thép và giá bán bình quân cao hơn/thấp hơn dự kiến.
Bên cạnh ông Long, 7 tỷ phú Việt Nam từng được Forbes công bố hồi tháng 3 năm nay gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Tuy nhiên, ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Nova Group – người rời danh sách tỷ phú cùng thời điểm với ông Long lại chứng kiến diễn biến tài sản không mấy tích cực.
Theo đó, ông Nhơn đã mất khoảng 10.000 tỷ đồng tính từ thời điểm 10/11, tương đương 25% tài sản do cổ phiếu NVL vẫn đang nhuộm sắc xanh sàn. Vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đã có công văn giải trình về việc giá cổ phiếu NVL giảm sàn 10 phiên giao dịch liên tiếp từ 3/11 đến 16/11.
Theo Novaland, giá cổ phiếu NVL giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô. Trong phiên giao dịch ngày 18/11, mã NVL đang giảm sàn với mức giảm 6,8% xuống còn 29.250 đồng/cổ phiếu, thậm chí trắng bên mua.
Lê Thanh Hồng