Ngân hàng Thế giới phát hành báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô quý 1 của Việt Nam với khuyến nghị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát.
Trong bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận và số ca tử vong liên quan bắt đầu giảm trong tháng Ba nên nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực như chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng, tổng mức bán lẻ hàng hoá tiếp tục phục hồi.
Tuy nhiên, chuyên gia Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát.
Sản xuất công nghiệp, bán lẻ phục hồi
Theo WB, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng Ba, tương đương với mức trước đại dịch, nhờ nhu cầu trong nước đang phục hồi và nhu cầu vững chắc từ khu vực kinh tế đối ngoại. Các ngành năng động nhất bao gồm máy móc, thiết bị, điện tử, may mặc, giày da, và đồ uống, đều đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.
Bên cạnh đó, tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng tốc từ 4,1% trong tháng Hai lên 9,4% (so cùng kỳ năm trước), tốc độ tăng trưởng cao thứ hai kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Sự phục hồi này một phần do các hoạt động kinh tế được khôi phục sau Covid và được dẫn dắt bởi tăng trưởng 10,7% (so cùng kỳ năm trước) của doanh thu bán lẻ hàng hóa.
Tuy nhiên, doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng chậm hơn với tốc độ 4,8% (so cùng kỳ năm trước) so với 7,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 2/2022, phản ánh tăng trưởng chững lại của doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống liên quan đến số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong thời gian qua.
Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa cũng tăng lần lượt 14,8% và 14,6% (so cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng trên một phần phản ánh giá hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu tăng do giá cả hàng hóa thế giới tăng vọt và gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và các vấn đề này càng bị trầm trọng hơn bởi chiến tranh tại Ukraina. Kim ngạch xuất khẩu dệt may và giày da và máy tính và điện tử được duy trì mạnh mẽ, tăng lần lượt 13,9% và 13,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng Ba, tương đương với tốc độ tăng trong tháng Hai.
Ngược lại, tăng trưởng xuất khẩu máy móc, thiết bị chỉ đạt 3,9% (so cùng kỳ năm trước), mức thấp nhất trong hai năm qua, do xuất khẩu sang Mỹ giảm 3,6%.
Một điểm sáng nữa được WB đề cập, đó là vốn FDI đăng ký đạt 3,9 tỷ USD trong tháng 3/2022, tăng 35,2% so với tháng trước, nhưng thấp hơn 15,2% so với một năm trước. Đây là diễn biến đầy hứa hẹn, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Hai phần ba tổng số vốn đăng ký là đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh mới của các doanh nghiệp mới, bao gồm một dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trị giá 1,3 tỷ USD.
Theo dõi chặt diễn biến lạm phát
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba tăng 2,4% (so cùng kỳ năm trước), so với mức tăng 1,4% trong tháng 2 (so cùng kỳ năm trước). Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 7 tháng qua, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,0%. Giá xăng dầu tăng 13,4% so với tháng trước và 56,1% so với cùng kỳ năm trước do giá dầu thế giới tăng vọt liên quan đến chiến tranh ở Ukraine. Xăng dầu tiếp tục là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát thông qua làm tăng chỉ số giá nhóm giao thông. Giá lương thực, thực phẩm cũng nhích lên sau khi tương đối ổn định trong năm 2021.
Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8% (so cùng kỳ năm trước), phản ánh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, với tốc độ tăng 5,5% (so cùng kỳ năm trước) trong quý 1. Mặc dù giá đầu vào sản xuất nông nghiệp cũng tăng 9,1%, nhưng chỉ số giá sản xuất nông nghiệp vẫn được kiềm chế, chỉ tăng 0,6% (so cùng kỳ năm trước). Sự thiếu kết nối này xuất phát từ giá sản phẩm chăn nuôi lợn thấp hơn, giảm 26,3% (so cùng kỳ năm trước) một phần nhờ nguồn cung dồi dào và một phần do một số cơ sở sản xuất bán bớt đàn vì giá cả đầu vào tăng lên khiến cho sản xuất lợn không đem lại lợi nhuận.
Theo chuyên gia WB, giá tiêu dùng và giá sản xuất tang đặt ra yêu cầu cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước, vì lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù CPI tăng chậm trong năm 2021 một phần do tổng cầu yếu, nhưng sự gia tăng giá hàng hóa trung gian và giá sản xuất trong 3 quý gần đây có thể ảnh hưởng đến các quyết định sản xuất và làm tăng giá tiêu dùng, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm.
“Trong ngắn hạn, cần có biện pháp can thiệp chính sách có mục tiêu để loại bỏ tác động của giá cả tăng đối với người dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương. Chính sách tạm giảm thuế đối với xăng dầu mới được các cấp có thẩm quyền ban hành là một chính sách trong ngắn hạn như vậy, mặc dù quyết định chọn giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có thể không phản ánh đúng mục tiêu về môi trường của các cấp có thẩm quyền,” bản báo cáo nêu rõ.
Các chuyên gia WB nhận định, nếu tình trạng tăng giá kéo dài, nền kinh tế sẽ cần phải điều chỉnh và thích nghi với sự thay đổi giá cả. Các cấp có thẩm quyền cũng nên cân nhắc những cải cách mang tính cấu trúc để nâng cao năng suất của nền kinh tế và tăng tổng cung. Các biện pháp này bao gồm giảm thuế đối với các hoạt động đầu tư sản xuất và đổi mới sáng tạo, giảm rào cản trong môi trường kinh doanh, giảm chi phí logistics và đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ thuật cho lực lượng lao động.
Thúy Hà
Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/wb-du-tang-truong-kinh-te-hoi-phuc-vn-van-phai-theo-doi-lam-phat/783986.vnp