Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,2 triệu tấn, trị giá thu về gần 3 tỷ USD, giảm 5,7% về lượng nhưng tăng 32,3% về trị giá nhờ giá bán tăng cao.
Thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng là Đức chiếm 13% thị phần, tiếp đến Italy với 10%, Hoa Kỳ 9%, Nhật Bản 8%…
Tuy nhiên, theo số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022, với khối lượng đạt 84.647 tấn, trị giá 258,5 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và 16% về trị giá so với tháng trước.
Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý III/2023 sẽ chậm lại do nguồn cung không còn dồi dào. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê robusta.
Tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 11 tháng niên vụ 2022 – 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023) đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Với sản lượng trong niên vụ hiện tại được dự báo chỉ vào khoảng 1,5 – 1,6 triệu tấn, giảm từ 10 – 15% so với niên vụ 2021 – 2022, nguồn cung cà phê dành cho xuất khẩu đến nay gần như đã cạn. Nguồn cung cà phê dự kiến sẽ cải thiện kể từ tháng 11 tới khi vào vụ thu hoạch mới 2023 – 2024.
Tuy nhiên, tồn kho ở mức thấp đã đẩy giá cà phê xuất khẩu trong tháng 8 vừa qua lên mức kỷ lục mới là 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng 30% (gần 700 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 8 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê đã tăng gần 9% lên mức 2.463 USD/tấn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng gần 22% trong 7 tháng năm nay lên mức 448,7 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, tăng so với tỷ trọng 15% của cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, tỷ trọng của cà phê nhân (bao gồm robusta và arabica) giảm xuống còn 83,3% so với mức 85% của cùng kỳ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê là theo tổ chức cà phê thế giới (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu thiếu hụt khoảng 7,26 triệu bao trong niên vụ 2023 – 2024. Nguồn cung cà phê dự kiến thiếu hụt trong ngắn hạn và trung hạn.
Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Indonesia (AEKI) cũng cho biết, dự kiến sản lượng cà phê trong năm 2023 của Indonesia giảm khoảng 20%, xuống còn 9,6 triệu bao.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê của Indonesia niên vụ 2023/2024 được dự báo đạt 9,7 triệu bao 60 kg, giảm so với mức 11,85 triệu bao trong niên vụ trước và thấp nhất kể từ niên vụ 2011 – 2012.
Bích Hồng