Home Kinh tế vĩ mô Xuất khẩu rau quả “bùng nổ” lập kỷ lục mới

Xuất khẩu rau quả “bùng nổ” lập kỷ lục mới

0

Xuất khẩu rau quả tính đến nửa đầu tháng 7 đã gần vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỷ USD của cả năm 2022, kỳ vọng đạt kỷ lục mới trong năm 2023.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, xuất khẩu rau quả đạt trên 2,9 tỷ USD, đứng thứ 3 trong các mặt hàng nông lâm thuỷ sản.

Xuất khẩu rau quả hiện đứng sau gỗ, sản phẩm gỗ và thủy sản trong nhóm nông lâm thuỷ sản; đứng thứ 8/45 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.

Đáng chú ý, những tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu 2 mặt hàng “át chủ bài” của ngành nông nghiệp là thủy sản, gỗ giảm mạnh, thì xuất khẩu nhóm hàng rau quả đã liên tục lập những kỷ lục mới. Thêm nhiều loại trái cây Việt đã được “xuất ngoại”.

Xuất khẩu rau quả tính đến nửa đầu tháng 7 đã gần vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỷ USD của cả năm 2022. Trong đó, sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo những tháng còn lại của năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả đạt từ 2,5 tỷ USD đến 2,7 tỷ USD. Theo đó, kỳ vọng cả năm 2023 sẽ đạt gần 5,4 tỷ USD, tăng 59,2% (2 tỷ USD) so với năm 2022.

Trong những tháng đầu năm, rau quả Việt Nam đã có mặt ở 27 thị trường chủ yếu, có 15 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt có 3 thị trường đạt trên 100 triệu USD (Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc).

Năm nay, mặc dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng hàng rau quả của Việt Nam có chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh, nên được người tiêu dùng Trung Quốc lựa chọn. Theo Cục Xuất nhập khẩu, tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này chiếm 84,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. 

Theo báo Đại Đoàn Kết, ngoài thị trường Trung Quốc, rau quả xuất khẩu tới Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2023.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu rau quả 'bùng nổ' lập kỷ lục mới
Sầu riêng Việt Nam “đắt hàng” tại thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Theo báo Công Thương, để xuất khẩu rau quả có thêm nhiều thuận lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đẩy mạnh cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói cho doanh nghiệp. Ngoài ra, khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh chuyển đổi mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn…

Các chuyên gia cung khuyến cáo, bên cạnh việc đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, các địa phương cũng cần kiểm soát tốt các mã số đó để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu.

Theo Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Trước đó, trả lời báo Tuổi Trẻ về câu hỏi của báo chí về việc tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết rau quả của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, không thua kém gì các nước trên thế giới.

Theo ông Cường, ngành trồng trọt đang có xu hướng giảm diện tích để “nhường” cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, điều này có thể dẫn tới giảm sản lượng rau quả. Tuy nhiên mốc 10 tỷ USD trong tương lai hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta có các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó là gia tăng khoa học công nghệ, gia tăng chế biến thay vì xuất khẩu thô. Đồng thời cần có chiến lược và sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là rau quả.

Thời gian gần đây xuất khẩu rau quả “bùng nổ”, chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến từng khẳng định chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt kết quả cao như hiện nay. Nếu giữ đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay, chắc chắn năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỷ USD.

“Đó là hầu như chúng ta mới xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi. Nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, làm tốt công tác giống, quy trình canh tác, khai thác tiềm năng, mở rộng thị trường thì con số 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được”, ông Tiến nói.

Trúc Chi (t/h)

Link nguồn