Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm 2023 có nhiều dư địa tăng trưởng khả quan.
Tin vui, 8 tháng xuất khẩu rau quả vượt xa năm 2022
Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt 464,47 triệu USD, tăng 14,8% so với tháng trước.
Kết quả đạt được trong tháng 8 giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng đầu năm đạt 3,55 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, mới qua 8 tháng nhưng kim ngạch nhóm hàng này đã vượt cả năm 2022 (năm ngoái đạt 3,36 tỷ USD).
Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, rau quả được xem là ngành hàng có sự tăng trưởng ấn tượng nhất.
Về thị trường, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất của nhóm hàng rau quả. Cụ thể xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Trong tháng 8/2023, trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 266,3 triệu USD, tăng 186,3% so với tháng 8/2022.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp theo, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan.
Đáng chú ý, trong quý III và quý IV/2023, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, cả nước có khoảng gần 7,6 triệu tấn trái cây chủ lực các loại đưa ra tiêu thụ. Trong khi đó, theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu hàng rau quả thường đạt mức cao trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu thị trường tăng. Do đó, nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Năm nay, sầu riêng là mặt hàng có đóng góp mạnh nhất trong kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 8 tháng qua.
Theo số liệu trên VTV, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm hơn 30% tổng kim ngạch. Dự báo, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này sẽ còn tiếp tục tăng, nhất là trong những tháng cuối năm.
Trước đà tăng như vậy, dự báo cả năm sầu riêng sẽ cán mốc 1,5 tỷ USD, nhất là từ nay đến cuối năm hầu như Thái Lan, Malaysia hết mùa sầu riêng. Theo đó, kỷ lục xuất sang Trung Quốc vượt cả chỉ tiêu đề ra cho trái sầu riêng năm nay là 1 tỷ USD.
Việt Nam cũng đang đẩy nhanh đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc, hứa hẹn sẽ cùng mít tạo nên doanh số xuất khẩu tăng cao trong thời gian tới.
Ngoài rau quả, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế trong xuất khẩu gạo, thủy hải sản vào Trung Quốc thời gian tới khi mà nhu cầu gạo trên thế giới tăng cao, Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản. Các cơ quan chức năng nỗ lực đàm phán để nâng số lượng nông sản được xuất chính ngạch vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó các thị trường xuất khẩu lớn đáng chú ý khác của nhóm hàng rau quả là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Triển vọng xuất khẩu những tháng cuối năm
Báo Nhân Dân dẫn nguồn dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023. Do đó, dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ tăng nhẹ khi một số mặt hàng như: rau quả, gạo, điều vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng; các mặt hàng thủy sản, đồ gỗ, sắn có thể phục hồi nhẹ trong những tháng cuối năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023. Do đó, dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ tăng nhẹ.
Đặc biệt với ngành hàng rau quả, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ 3 thế giới.
Theo số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu rau quả của Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2022.
Với lợi thế về vị trí địa lý gần với Trung Quốc, việc vận chuyển rau quả tươi của Việt Nam sang thị trường này có chi phí thấp hơn, giữ được độ tươi và chất lượng, nên có khả năng cạnh tranh hơn so các nguồn cung cấp khác.
Dự báo xuất khẩu rau quả tiếp tục đà tăng trưởng cao trong những tháng tới, do sản lượng rau quả trong nước và nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới đều tăng. Trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).
Trước những lợi thế trên, để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc những tháng cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến vào tháng 9 tới, Bộ sẽ xem xét, bàn cụ thể việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển nông nghiệp và giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).
Bộ cũng xúc tiến thành lập “Hiệp hội Doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Quảng Tây” và “Hiệp hội Doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Vân Nam”; đồng thời thúc đẩy kỹ thuật để sớm ký kết Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc; tổ chức Hội thảo “Giải pháp xây dựng và bảo vệ thương hiệu trái sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc”; Hội thảo “Hình thành chuỗi logistics nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc”.
Rau quả xuất khẩu có thể mang về 5 tỷ USD
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 3,5 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay của ngành và cao hơn con số 3,3 tỷ USD của cả năm 2022. Những tín hiệu thuận lợi về thị trường, về các mặt hàng xuất khẩu mới, có giá trị cao, sản xuất quy củ, chuyên nghiệp hơn… là nền tảng để xuất khẩu rau quả tăng tốc và có thể vượt mốc 4 tỷ USD hướng đến mốc mới 5 tỷ USD trong năm 2023.
Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Trúc Chi (t/h)