Năm 2024, trước những cơ hội mới, nhiều ngành hàng của Việt Nam kỳ vọng duy trì được sự tăng trưởng và gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm 2023, xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 171 tỷ USD
Thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan ghi nhận, năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương đương kim ngạch tăng thêm 3,7 tỷ USD).
Tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc là điểm sáng trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu nhiều ảm đạm trong năm ngoái.
Năm 2023 ghi nhận 12 nhóm hàng xuất khẩu của nước ta sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, 2 nhóm hàng lớn nhất đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại và linh kiện đạt 16,87 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13 tỷ USD.
Các nhóm hàng tỷ đô khác như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 110,64 tỷ USD, giảm hơn 7,3 tỷ USD so với năm 2022.
Có tới 17 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Tương tự xuất khẩu, nhập khẩu cũng có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch chục tỷ đô là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 23,4 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,5 tỷ USD.
Với tổng kim ngạch 171,2 tỷ USD đạt được trong năm ngoái, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch cả nước.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay đã có hàng trăm mặt hàng rau quả, thủy sản và nhiều loại sản phẩm khác của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam với giá trị 12,2 tỷ USD trong năm 2023, chiếm tỷ trọng 23,2%. Trong nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD, thì năm 2023, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mặt hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 3,64 tỷ USD, tăng tới 139,5% so với năm 2022 và chiếm 65% kim ngạch XK rau quả cả nước.
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của nước ta với Trung Quốc còn lớn khi con số nhập siêu của năm ngoái gần 50 tỷ USD.
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Chia sẻ trên báo Công an nhân dân, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, Việt Nam đã ký Nghị định thư với Trung Quốc đối với trái sầu riêng, giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này tăng trưởng vượt bậc. Trong năm 2023, riêng thị trường Trung Quốc, đơn vị đã xuất khẩu 400 container sầu riêng tươi. Năm 2023 doanh nghiệp ký đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 2.000 container sầu riêng. Tuy nhiên, nguồn cung sầu riêng xuất khẩu không đủ, nên phần còn lại của đơn hàng doanh nghiệp tiếp tục trả cho đối tác trong năm 2024.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc hiện đang mở rộng nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Nhiều mặt hàng đang được hai bên gấp rút hoàn thiện hồ sơ để mở rộng thông thương. Nếu những mặt hàng mới sớm được ký nghị định thư với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2024 sẽ còn tăng mạnh. Tuy nhiên, thách thức cũng đặt ra cho doanh nghiệp khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc là phải tuân thủ các quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật… Chỉ một trong những tiêu chuẩn này chưa đạt, hàng hóa sẽ không được thông quan.
Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam; trong đó tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu, hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn.
Theo báo điện tử Kinh tế & Đô thị, dự báo về thị trường Trung Quốc năm 2024, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn nhận định: đối với mặt hàng cao su, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng nhờ có trợ lực từ chính sách kích thích kinh tế và các gói hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc.
Do đó, thời gian tới, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu cao su để phục vụ sản xuất ô tô trong kế hoạch dài hạn. Nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước bạn cũng đang lên cao. Ðây là cơ hội để các doanh nghiệp cao su Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu tới thị trường này.
Một tín hiệu đáng mừng nữa là, hiện các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên. Khi 6 mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch, sẽ tạo dư địa tăng trưởng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp.
Theo báo Nhân dân, không chỉ rau quả, thủy sản, nhiều ngành hàng nông sản cũng đang đứng trước cơ hội tăng thị phần tại thị trường Trung Quốc, cụ thể như ngành cà phê. Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho thấy, xu hướng tiêu thụ đồ uống tại Trung Quốc có sự chuyển dịch từ trà sang cà phê trong những năm gần đây. Mặc dù mức tiêu thụ bình quân đầu người vẫn còn thấp, nhưng doanh số bán cà-phê trên thị trường Trung Quốc đã tăng. Thời gian tới, cà phê có khả năng trở thành một trong những loại đồ uống được yêu thích của Trung Quốc.
Do đó, Trung Quốc được coi là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu cà-phê, còn nhiều dư địa để khai thác trong các năm tới. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 10 của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cà phê chế biến sâu, như: cà phê hòa tan, cà phê rang xay, cà phê 3 trong 1, do đó các doanh nghiệp trong nước nên đầu tư phát triển các dòng hàng này để chiếm lĩnh thị trường.
T.M (tổng hợp)