Nhờ mảng tín dụng bán lẻ tăng trưởng 58%, kiểm soát tốt chi phí, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.720 tỷ đồng trong 9 tháng qua, tăng trưởng 176% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ xấu hiện chiếm khoảng 2.380 tỷ đồng.
Cập nhật kết quả kinh doanh từ VIB cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018, thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi của ngân hàng tăng trưởng lần lượt 50% và 37%. Trong đó, thu nhập ngoài lãi hiện chiếm 16% trong tổng doanh thu và đang có xu hướng tăng tích cực. Hệ số hiệu quả chi phí trên doanh thu (CIR) giảm mạnh từ 57% năm 2017 xuống còn 48%.
Chi phí dự phòng trong 9 tháng duy trì ở mức thấp và từ cuối tháng 7/2018, VIB đã tất toán hết các dư nợ trái phiếu ở VAMC.
Lợi nhuận trước thuế tính chung 9 tháng đạt 1.720 tỷ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước và đạt 86% kế hoạch cả năm. Nhờ đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VIB đạt 19,4%.
Tại thời điểm 30/9/2018, tổng tài sản của ngân hàng VIB tăng thêm 8% so với hồi đầu năm lên mức hơn 132.500 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng đạt gần 95.200 tỷ đồng, huy động vốn đạt gần 89.200 tỷ, tăng lần lượt 13,1% và 14,8% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,5% trên tổng dư nợ, cao hơn mức 2,33% hồi giữa năm và số nợ xấu khoảng 2.380 tỷ đồng.
Hệ số an toàn vốn (CAR) đang ở mức 12,4%, hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 38,2% so với quy định hiện tại là 45%.
Với kết quả này cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý 3 của VIB đạt khoảng 569 tỷ đồng và liên tục tăng đột biến trong các quý gần đây do các nguồn thu nhập tăng mạnh và quản lý chi phí hiệu quả.
Trong đó, chỉ riêng trong quý 3/2018 tín dụng của ngân hàng tăng trưởng tới 4,16% so với quý trước.
Theo lý giải của VIB, thời gian qua ngân hàng này đã tập trung đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ theo chiến lược chuyển đổi kinh doanh trong 2 năm qua, nhờ đó, doanh thu từ ngân hàng bán lẻ 9 tháng đầu năm đã tăng 92% so với cùng kỳ. Cụ thể, dư nợ tín dụng bán lẻ của VIB hiện nay đạt trên 67.400 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.
Thị phần cho vay mua ô tô của VIB hiện chiếm hơn 25% của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, hoạt động kết hợp phân phối bảo hiểm (bancassurance) đã giúp VIB vươn lên top 3 thị phần toàn thị trường, với doanh số bán mới bảo hiểm tăng 202% so với cùng kỳ năm 2017.
Hoạt động thẻ cũng phát triển mạnh với số lượng thẻ tín dụng tăng 84% so với cùng kỳ và tổng chi tiêu thẻ tín dụng quý 3 năm 2018 tăng 214% so với quý 3 năm 2017…
Ngân hàng VIB hiện đã hoàn tất các chuẩn của Basel II và đang chờ NHNN chấp thuận để vận hành Basel II từ ngày 01/01/2019.
“Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VIB thời gian qua cũng gây “sốc” trên sàn HNX khi tăng hơn 100% lên mức đỉnh 40.000 đồng/CP vào giữa tháng 4/2018. Tuy nhiên từ đó đến nay, giá VIB liên tục sụt giảm mạnh, có thời điểm về mức thấp nhất ghi nhận là 23.000 đồng/CP và hồi phục quanh lên mức giá hiện tại 27.000 đồng/CP. Thanh khoản giao dịch mã VIB thời gian qua cũng duy trì ở mức thấp so với các mã ngân hàng khác, chỉ vài trăm nghìn cổ phiếu.
Được biết, năm 2018 VIB có kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ HNX sang Hose song đến nay, ngân hàng chưa có thông tin chi tiết về thời điểm lên sàn cũng như hé lộ mức giá chào sàn.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa chấp thuận cho VIB tăng vốn điều lệ từ mức 5.644 tỷ đồng hiện nay lên 7.834 tỷ theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông 2018 của ngân hàng thông qua. Theo đó, VIB sẽ phát hành và chào bán riêng lẻ tối đa 10% vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư các quỹ, và lợi nhuận để lại với tỷ lệ 36% trong đó 5% bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu.
Đến ngày 15/10/2018, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã nhận được hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu và hồ sơ niêm yết trái phiếu tại nước ngoài của VIB.
Theo Hải Hà/Thương Gia