Home Chứng khoán 9 tháng: Techcombank lãi cao nhờ xoay trục về bán lẻ

9 tháng: Techcombank lãi cao nhờ xoay trục về bán lẻ

0

Techcombank đang thoát dần “độc canh” tín dụng. Ảnh: Hồng Thắm

Techcombank vừa tổ chức công bố thông tin kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018. Thu nhập từ các hoạt động của ngân hàng đạt 13.294 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Khác với nhiều ngân hàng hiện nay, nguồn thu từ lãi chiếm tỷ trọng tới trên 70% trở lên thì ở Techcombank đã có hẳn một “bộ giải pháp” đa dạng hoá cơ cấu thu nhập, không phụ thuộc quá nhiều nguồn thu từ lãi.

Theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc ngân hàng, so với 9 tháng đầu năm 2017, thu nhập từ lãi đạt 8.168 tỷ đồng, tăng 26%, thu nhập phí đạt 2.113 tỷ đồng, tăng 25%; thu nhập khác (lợi nhuận từ giao dịch TCF 895 tỷ, thu từ nợ đã xoá 817 tỷ…) đạt 1.948 tỷ, tăng 37%.

Đáng chú ý, dự phòng hoạt động của ngân hàng đã giảm tới 30% so với cùng kỳ, với mức dự phòng hiện tại là 1.787 tỷ đồng, sau khi tất toán xong các khoản nợ đã bán.

Cũng theo vị này, lợi nhuận trước thuế đạt 7.774 tỷ đồng, hoàn thành hơn 75% mục tiêu này của cả năm; trong khi lợi nhuận sau thuế là 6.209 tỷ đồng.

Ngoài ra, một điểm đáng ghi nhận ở hoạt động của Techcombank là vốn chủ sở hữu của Techcombank đạt 49,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3 lần so với 2015 và là mức cao nhất trong số các ngân hàng khối cổ phần tư nhân.

Nhờ “tấm đệm” này, ngoài hỗ trợ tăng trưởng, chỉ số CAR của ngân hàng theo basel II cũng đạt trên 12,44%. Cũng do mức vốn sở hữu cao nên tỷ lệ đòn bẩy tài chính của ngân hàng rất thấp, ở mức 6,3. Trong khi đó, chỉ số này ở VIB là 13,1; TPB: 12,4; ACB: 16; MBB: 15,9; STB: 17; VPB: 9,3…

Thêm một yếu tố nữa đóng góp vào thu nhập của ngân hàng là huy động vốn không kỳ hạn (CASA). Cụ thể, cấu phần CASA chiếm 47,9 nghìn tỷ đồng trong tổng tài sản nợ 311,8 nghìn tỷ đồng của ngân hàng. Tính từ 2015 – 2016 – 2017 và 9 tháng đầu 2018 tăng trưởng của tỷ trọng CASA lần lượt: 21% – 23% – 24% và 25%.

Đáng chú ý, nguồn vốn không kỳ hạn (CASA) ngân hàng chịu chi phí lãi suất phải trả rất thấp nhưng lại có thể sử dụng tới 20% – 25% trong số đó để tài trợ cho các khoản vay trung dài hạn với lãi suất cao.

Thêm một mảng thu nhập nữa khá ấn tượng là dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu. Cụ thể, khối lượng tư vấn phát hành trái phiếu tăng bình quân trong 3 năm (2015 – 2017) là 25% nhưng 9 tháng đầu năm 2018 tăng 34%, tương ứng 33,3 nghìn tỷ đồng.

Kéo theo đó, doanh thu từ vấn, phát hành trái phiếu của bộ phận Techcom Securities như sau: doanh thu trong 3 năm (2015 – 2018) tăng trung bình 18%/năm thì đến 9 tháng đầu 2018 tăng 144%. Con số cụ thể như sau: 2015: 294 tỷ đồng; 2016: 397 tỷ đồng; 2017: 409 tỷ đồng; 9 tháng đầu 2018: 539 tỷ đồng và riêng quý 4/2018 dự kiến thêm 500 tỷ, đưa doanh số cả năm lên 1.000 tỷ đồng doanh thu tư vấn phát hành trái phiếu.

Ông Phùng Quang Hưng Giám đốc Khối Bán hàng và Kênh phân phối (Techcombank) cho biết, một mảng nữa tạo nên thu nhập lớn cho ngân hàng là phục vụ nhu cầu nhà ở theo chuỗi giá trị.

Theo đó, ngân hàng hợp tác với các công ty bất động sản để đáp ứng nhu cầu nhà ở thông qua mô hình kinh doanh và gói sản phẩm chuyên biệt. Ở các dự án bất động sản, ngân hàng đặt Hub và chi nhánh chuyên môn hoá ngay cạnh nhằm giải quyết nhanh nhu cầu cũng như rút ngắn thời gian phê duyệt món vay.

Thông qua mô hình này, dòng tiền vận hành như sau: khoản vay Techcombank giải ngân – luồng tiền trong chuỗi giá trị – khoản vay trả cho Techcombank. “Tiền vẫn nằm trong hệ thống Techcombank, giảm tổn thất tín dụng, giảm chi phí thu hút và giữ chân khách hàng và tạo RoRWA vượt trội”, ông Phùng Quang Hưng nói.

Theo Nguyễn Hoài/Vietnamfinance