Tuần vừa qua, thị trường tiếp tục xu hướng giảm khi VN-Index chốt tuần ở 1024,77 điểm. Tâm lý giằng co giữa phe mua và phe bán vẫn được thể hiện rõ ràng qua việc thanh khoản bán chủ động liên tiếp xuất hiện ngay khi VN-Index phục hồi trở lại.
VN-Index giảm điểm mạnh vào phiên đầu tuần dưới áp lực bán ở tất cả các nhóm ngành, trong đó có nhiều mã Bluechip thuộc VN 30 tạo tác động tiêu cực đến thị trường. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy dần xuất hiện trở lại ngay khi VN-Index giảm xuống vùng hỗ trợ quanh 1020 giúp chỉ số chung bật nảy vào phiên ngày 01/03, quay lên vùng điểm 1030.
Theo thống kê, trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu dầu khí là nhóm nổi bật nhất khi vẫn giữa được sắc xanh hơn 2% với nhiều cổ phiếu tăng tốt như PVD (+4,1%), PVS (+3,1%), PVB (+1,4%), PVC (+2,6%)… Ngành du lịch và giải trí tăng nhẹ 0,28% giá trị vốn hóa.
Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ giảm mạnh nhất với 5,87% giá trị vốn hóa với sự sụt giảm từ các trụ cột tiêu biểu trong ngành như MWG (-6,4%), FRT (-4,4%)… Nhóm thực phẩm và đồ uống với mức giảm 2,71% giá trị vốn hóa với các đại diện tiêu biểu trong ngành có thể kể đến như MSN (-11,5%), SAB (-0,5%)…
Ngành công nghệ thông tin cũng giảm mạnh với mức giảm 2,64% chủ yếu do sự suy yếu của trụ cột trong ngành là FPT (-2,8%). Các ngành còn lại đều ghi nhận mức giảm nhưng nhẹ nhàng hơn, lần lượt là dịch vụ tài chính (-2,55%), bất động sản (-1,75%), hàng cá nhân và gia dụng (-1,68%), hóa chất (-1,5%)…
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 14,79 điểm (-1,4%) xuống 1.024,77 điểm, HNX-Index giảm 2,43 điểm (-0,61%) xuống 204,89 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 31,5% so với tuần giao dịch trước đó xuống 37.622 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 29,9% xuống 2.275 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 35,7% xuống 4.360 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 32,3% xuống 291 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 1.181,23 tỷ đồng. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 3/2023 đang thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh lệch 8,15 điểm.
Theo VCBS, các số liệu về tình hình kinh tế xã hội trong tháng 2 tiếp tục cho thấy một số khó khăn đối với khu vực sản xuất. Hoạt động xuất nhập khẩu đồng thời suy giảm do nhu cầu thế giới dự báo giảm. Tuy vậy điểm sáng đến từ việc chỉ số PMI về sản xuất đã tăng trở lại đạt 51,2 điểm trong tháng 2 sau chuỗi ba tháng liên tục dưới 50.
Cùng với đó, mặt bằng lãi suất đã có dấu hiệu hạ nhiệt với mức giảm 20-50 điểm tùy từng kỳ hạn. Đây là diễn biến được chờ đợi nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn với doanh nghiệp và người dân.
Trong bối cảnh thanh khoản vẫn ở mức thấp, chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường có thể sẽ cần thêm một vài phiên tích lũy trước khi quay lại tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự gần 1065-1075 điểm.
Nhà đầu tư cầm tiền mặt nói chung tiếp tục giữ vị thế quan sát thị trường trong tuần tới. Đối với hoạt động trading, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị mua trading ngắn khi VN-Index giảm về vùng hỗ trợ 1000-1018 điểm.
Về góc nhìn kỹ thuật, áp lực bán quay trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần khiến VN-Index hình thành nến đỏ giảm điểm tiêu cực. Bên cạnh đó, việc Bollinger band đang có xu hướng mở xuống phía dưới cho thấy rủi ro trong ngắn hạn của thị trường đã tăng dần lên.
Theo các chuyên gia của VCBS, trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng điểm này và bật hồi tạo phân kỳ dương 3 đoạn, khi đó nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc mở vị thế thêm từ 10 – 20% đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục.
Ngược lại, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng khiến chỉ số chung giảm dưới hỗ trợ, các nhà đầu tư nên nâng cao tỉ trọng tiền mặt kịp thời để hạn chế rủi ro trong ngắn hạn.
Nguyễn Luận