Home Chứng khoán Cảnh báo chiêu trò lừa đảo đầu tư ‘chứng khoán quốc tế’

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo đầu tư ‘chứng khoán quốc tế’

0

Trước việc nhiều nạn nhân trình báo bị lừa đảo tiền tỉ qua cuộc gọi mời đầu tư ‘chứng khoán quốc tế’, cơ quan chức năng đã liên tục có khuyến cáo về vấn đề này.

Ảnh minh họa.

Thời gian qua, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của nạn nhân các vụ lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội. 

Theo cơ quan chức năng, từ các trình báo của người bị hại cho thấy, các vụ lừa đảo dưới hình thức đầu tư tài chính chiếm số lượng lớn. Nguyên nhân các vụ lừa đảo ngoài nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết, phần lớn nạn nhân không nhận rõ các dấu hiệu của hành vi lừa đảo ngay từ đầu, nên dễ bị kẻ xấu dẫn dắt, thao túng.

Cụ thể, những dấu hiệu của một vụ lừa đảo xuất hiện dưới hình thức chiêu bài đầu tư “chứng khoán quốc tế”. Thực tế, việc đầu tư chứng khoán ở các sàn giao dịch nước ngoài, phải có quốc tịch ở nước đó và mở tài khoản ngân hàng ở nước sở tại.

Để dễ dàng chiếm lòng tin của nạn nhân, các đối tượng thường giới thiệu cổ phiếu của các tập đoàn, doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới. Trong vai “nhà tư vấn đầu tư”, đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra các mức lợi nhuận hấp dẫn, thậm chí là cử người “canh lệnh” để đảm bảo người đầu tư “chắc chắn có lãi”.

Cũng theo Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, hình thức lừa đảo “đầu tư tài chính” không mới. Các đối tượng chỉ thay đổi một chút về phương thức, thủ đoạn và thường có những kịch bản để nhắm tới từng nhóm đối tượng cụ thể.

Dù kết bạn qua Facebook hay kết nối điện thoại, các nạn nhân sẽ bị lôi kéo vào một nhóm Zalo, Telegram mà trong đó, các thành viên còn lại đều là “chim mồi”. Họ sẽ liên tục khoe các vụ chốt lãi thành công với số tiền hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Bị hại sẽ bị choáng ngợp với số tiền lãi và nhanh chóng tham gia đầu tư vào các app (phần mềm) do bọn lừa đảo hướng dẫn cài đặt.

Thực chất không có sàn giao dịch chứng khoán hay kênh đầu tư nào cả. Khi các bị hại đầu tư, tiền sẽ được chuyển tới tài khoản của nhóm lừa đảo. Bằng vài thủ thuật đơn giản trên các app do chúng lập và điều hành, nạn nhân được cho “ăn” một vài lần đầu để đánh vào lòng tham của họ.

Tưởng dễ dàng kiếm được số tiền lớn, nạn nhân sẽ tiếp tục đầu tư theo lời dụ dỗ “đầu tư càng nhiều, lãi càng lớn”.

Vài ngày sau, các đối tượng sẽ tư vấn cho nạn nhân bán cổ phiếu. Tuy nhiên, thay vì chuyển tiền về tài khoản cho nạn nhân như lần trước, chúng viện đủ lý do để nạn nhân nạp thêm tiền như đóng thuế thu nhập, phí giao dịch, rồi tiền bảo hiểm, rồi tiền môi giới, tiền mở khóa tài khoản… mới có thể rút được tiền từ tài khoản đầu tư ra.

Toàn bộ số tiền nạn nhân nạp vào tài khoản sẽ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt. Lúc này, các tài khoản đầu tư trống trơn, nạn nhân mới biết mình bị lừa, đồng nghĩa toàn bộ số tiền đầu tư và các khoản phí nộp trước đó bốc hơi hoàn toàn.

Trước đó, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về 24 hình thức lừa đảo qua không gian mạng hiện nay:

Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”.

Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.

Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao

Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.

Giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.

Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.

Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.

Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…

Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…).

Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.

Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.

Lừa đảo tuyển cộng tác viên online.

Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo.

Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.

Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.

Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.

Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.

Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.

Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.

Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.

Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.

Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…

Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.

Lừa đảo cho số đánh đề.

Theo Bộ Công an, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.

Theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội số một cách bền vững. Bộ Công an nhận định, đây là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng.

Trần Minh

Link nguồn