Theo chuyên gia, khi có thêm ý kiến của cha mẹ học sinh sẽ làm khách quan hơn trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa được giảng dạy trong cơ sở giáo dục.
Sau nhiều băn khoăn về những bất cập xung quanh việc chọn sách giáo khoa tại các địa phương, mới đây Bộ GD&ĐT đã có Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm thay thế cho Thông tư số 25.
Trao quyền chọn sách có ý nghĩa quan trọng
Với việc thay đổi hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở GDPT do hiệu trưởng cơ sở GDPT hoặc giám đốc trung tâm GDNN – GDTX thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Trao đổi với Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng việc trao quyền chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục có ý nghĩa quan trọng.
“Mục tiêu có nhiều bộ sách giáo khoa nhằm giúp học sinh lựa chọn cách tiếp cận kiến thức phù hợp ở từng loại sách khác nhau. Ở đây, chúng ta phải tôn trọng người học nên việc quy định chọn sách giao cho nhà trường là hoàn toàn đúng vì các cơ sở giáo dục mới là người học, người dạy”, ông Hoàng Văn Cường bày tỏ.
Đại biểu cũng cho rằng không nên nói sách nào hay hơn sách nào mà phụ thuộc vào nhu cầu mỗi học sinh. Ông Hoàng Văn Cường cho biết: “Đến giai đoạn cao hơn nữa, người học có năng lực tốt hơn có thể chọn sách trong phạm vi mỗi lớp học, theo từng học sinh và người thầy không dạy theo một cuốn sách nào. Thay vào đó sẽ dạy theo chương trình, nội dung kiến thức, sách giáo khoa chỉ là những ví dụ minh hoạ để truyền tải kiến thức”.
Chia sẻ thêm, ông Cường cũng cho rằng chúng ta đang hướng đến việc không học theo khuôn mẫu, các em thuộc lòng các bài trong sách và đi thi những nội dung đó để trả cho cho thầy là không có ý nghĩa.
“Điều quan trọng thông qua những tài liệu, người học tiếp thu những vấn đề như thế nào và chuyển nó thành tri thức của bản thân và vận dụng trong thực tiễn. Đề thi không theo bài học của một cuốn sách nào cả, việc biến các tri thức giảng dạy trở thành kiến thức, năng lực học sinh mới có ý nghĩa”, ông Hoàng Văn Cường nhận định.
Cần xem xét việc lấy ý kiến phụ huynh
Theo Dự thảo mới Bộ GD&ĐT đưa ra hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở GDPT do hiệu trưởng cơ sở GDPT hoặc giám đốc trung tâm GDNN – GDTX thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi cơ sở GDPT thành lập 1 hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Thành viên hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ chuyên môn; đại diện giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GDPT. Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở GDPT; phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng.
Trước băn khoăn về đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GDPT sẽ tham gia vào hội đồng chọn sách, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thuý – Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tây Ninh cho rằng sẽ không giúp thay đổi nhiểu.
“Bởi không phải phụ huynh nào cũng có trình độ để thẩm định được các nội dung trong sách giáo khoa theo các tiêu chí, mục tiêu chương trình của ngành giáo dục”, bà Thuý bày tỏ.
Đại biểu đánh giá: “Việc đưa phụ huynh tham gia vào hội đồng thẩm định có thể làm khách quan hơn việc biên soạn, lựa chọn nội dung cho sách giáo khoa. Tuy nhiên, tôi cho rằng nó sẽ không giải quyết được vấn đề căn cơ đang gây tranh cãi hiện nay liên quan đến sách giáo khoa mà ngành giáo dục đang triển khai”.
Theo bà Thuý sau khi hội đồng, chuyên gia của nhà trường lựa chọn một bộ sách, thì có thể tham khảo không chỉ một vài ý kiến của phụ huynh. Bởi cha mẹ không có chuyên môn cụ thể hay không có thời gian để xem xét kỹ tất cả các nội dung. “Nhà trường sau khi lựa chọn được bộ sách thì có thể tiến hành bước lấy ý kiến của toàn bộ phụ huynh, để có ý kiến toàn diện hơn là lấy ý kiến một vài phụ huynh đại diện điều này sẽ giúp nhà trường tham khảo thêm trước khi quyết định”, bà Thuý đưa ra ý kiến.
Bày tỏ thêm, Đại biểu cũng cho rằng cách làm và phương pháp làm cần tạo đồng thuận cao nhất trong xã hội, như vậy, ngành giáo dục mới mạnh dạn tiến lên, thay vì, cứ loay hoay với những ý kiến trái chiều, với dư luận như hiện nay.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Phú Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, Long Biên, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi chọn sách giáo khoa dựa trên các đánh giá và ý kiến của giáo viên. Thầy cô là những người trực tiếp sử dụng, hiểu rõ nội dung, kiến thức và phương pháp truyền tải đến học sinh vì vậy khi được là người quyết định sẽ mang lại hiệu quả hơn khi giảng dạy”.
Nguyễn Hoa Trà