Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh VNG: Khi “kỳ lân” công nghệ sa chân vào mê cung đầu...

VNG: Khi “kỳ lân” công nghệ sa chân vào mê cung đầu tư

0

Những khoản đầu tư dàn trải vào các start-up không chỉ đốt vốn mà còn khiến “kỳ lân” công nghệ VNG rơi vào vòng xoáy tài chính đầy thách thức với những khoản lỗ nghìn tỷ.

Công ty Cổ phần VNG được thành lập ngày 9/9/2004. Từ một công ty chuyên về trò chơi trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam (với tên gọi ban đầu là VinaGame), cho đến hiện nay đã trở thành một trong những công ty công nghệ, giải trí, dịch vụ internet, sản xuất phần mềm hàng đầu tại Việt Nam.

Ban đầu, VNG hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến. Sau đó, dưới sự lãnh đạo của ông Lê Hồng Minh, VNG đã liên tục mở rộng phạm vi hoạt động, cho ra mắt nền tảng nhắn tin trực tuyến Zalo (năm 2012), Zalopay (2016), điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu (2006-2007), lập trình máy tính, sản xuất phần mềm và quảng cáo thương mại…

Về mảng game, VNG sở hữu các tựa game nổi tiếng như Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế,.. Dịch vụ trò chơi trực tuyến là mảng hoạt động mang lại nhiều doanh thu nhất cho VNG trong những năm gần đây.

VNG: Hào quang kỳ lân và cú trượt dài - Ảnh 1.
Các mốc sự kiện quan trọng của VNG.

CTCP VNG được xem là “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam. Năm 2014, VNG được World Startup Report định giá 1 tỷ USD. Đến năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore định giá ở mức 2,2 tỷ USD.

Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp gồm cổ đông lớn nhất là VNG Limited – thành lập ở quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh ) nắm giữ hơn 14 triệu cổ phiếu, tương ứng 49% vốn.

Tiếp đến là CTCP Công nghệ BigV nắm 6,11 triệu cổ phiếu, tương đương 17,05% vốn doanh nghiệp, ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu (9,84% vốn), Thành viên HĐQT Vương Quang Khải nắm giữ 1,56 triệu cổ phiếu (4,38% vốn).

Những vết trượt đau của VNG

Về bức tranh tài chính, trong giai đoạn 2011-2020, doanh thu của VNG đã tăng 2,6 lần, từ 2.312 tỷ đồng lên 6.024 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận liên tục trồi sụt, từ 605 tỷ đồng ở năm 2011 lên 889 tỷ đồng vào năm 2012 rồi lại giảm xuống 383 tỷ đồng năm 2013.

Tình hình kinh doanh của VNG bắt đầu xấu đi kể từ năm 2021, khi công ty đầu tư vào CTCP Zion – đơn vị chủ quản của ví điện tử Zalo Pay. Khi đó, VNG sở hữu 60% cổ phần của Zion và gần như toàn bộ phần lỗ của cổ đông không kiểm soát (485 tỷ đồng). Như vậy, trong năm 2021, Zion đã lỗ khoảng 1.213 tỷ đồng. Năm 2020, Zion lỗ 667 tỷ đồng, có nghĩa mức lỗ đã tăng lên gấp 1,8 lần.

Điều này khiến VNG lỗ sau thuế 71 tỷ đồng, trong khi năm 2020 vẫn lãi 201 tỷ đồng. Đến năm 2022, khoản lỗ này đã tăng mạnh lên 1.533,9 tỷ đồng và nới rộng lên 2.317 tỷ đồng vào năm 2023.

Khép lại năm 2024, VNG ghi nhận 9.505 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ. Đóng góp chủ yếu vẫn đến từ mảng trò chơi trực tuyến với gần 6.440 tỷ đồng, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet cũng tăng gần gấp đôi lên 1.835 tỷ đồng, mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến 933 tỷ đồng.

Do chi phí và phần lỗ trong công ty liên kết lớn khiến VNG ty lỗ sau thuế 1.018 tỷ đồng và là năm thứ ba liên tiếp VNG lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2024, VNG đầu tư vào các công ty liên kết 1.992 tỷ đồng, nhưng lỗ luỹ kế lên đến 875 tỷ đồng.

Trong đó, công ty đã không còn đầu tư 510,1 tỷ đồng vào Tiki Global và chịu lỗ đúng bằng số tiền rót vào, VNG phải trích lập dự phòng 510 tỷ đồng cho khoản đầu tư này. Công ty cho biết, Tiki Global không còn là công ty liên kết của VNG từ ngày 28/10/2024.

Không chỉ chịu lỗ bằng số tiền đầu tư tại Tiki Global, VNG cũng “mất trắng” vốn khi đầu tư vào một số công ty liên kết khác. Cụ thể, VNG lỗ 515 tỷ đồng khi đầu tư vào Telio (trụ sở Singapore); Beijing Youtu ( trụ sở Trung Quốc) 35,3 tỷ đồng; Rocketeer tại đảo Cayman với giá trị đầu tư 33 tỷ đồng; Ecotruck (Tp.HCM) với 131,6 tỷ đồng và lỗ sạch.

VNG: Hào quang kỳ lân và cú trượt dài - Ảnh 2.
Danh mục đầu tư vào công ty liên kết của VNG tại thời điểm 31/12/2024.

Bước sang quý I/2025, danh mục đầu tư vào các công ty liên kết của VNG đã thu hẹp đáng kể xuống còn gần 827 tỷ đồng và chỉ lỗ khoảng 11,8 tỷ đồng.

Giá trị còn lại của các khoản đầu tư liên kết tại thời điểm 31/3/2025 của VNG gồm Funding Asia 369,8 tỷ đồng, VTH 218,5 tỷ đồng, DayOne Holding 115,4 tỷ đồng, OCG hơn 95 tỷ đồng, Telio hơn 28 tỷ đồng.

Về kế hoạch đầu tư trong thời gian tới, Chủ tịch Lê Hồng Minh chỉ ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 rằng VNG sẽ đầu tư cẩn trọng chứ không dàn trải. Với nền tảng thanh toán Zalopay, ban lãnh đạo công ty sẽ hướng tới điểm hòa vốn trong thời gian sớm nhất, có thể vào cuối năm 2026.

Từng có kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”

Kể từ khi niêm yết lần đầu vào ngày 5/1/2023 với mức giá 240.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG liên tiếp tăng kịch biên độ. Có thời điểm, VNZ còn chạm ngưỡng hơn 1,4 triệu đồng/cổ phiếu khi niêm yết trên sàn UPCoM.

Thời điểm đó, cổ phiếu của công ty game này đã phá kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi chạm đến mức giá trên 1 triệu đồng/cổ phiếu.

VNG: Hào quang kỳ lân và cú trượt dài - Ảnh 3.
Diễn biến thị giá VNG (Nguồn: TradingView).

Tuy nhiên, con số trên chưa phải đỉnh cao mà “kỳ lân” công nghệ chạm đến. Hồi cuối tháng 3/2019, VNG đã được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD, tương đương 1,8 triệu đồng/cổ phiếu. Năm 2021, VNG vẫn được định giá cao “chót vót” khi Công ty quản lý quỹ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu.

Trong 1 năm trở lại đây, cổ phiếu VNZ ghi nhận lao dốc không phanh. Nếu so với vùng giá 1,2 triệu đồng/cổ phiếu tại thời điểm đầu tháng 9/2023, hiện thị giá mã này đã “bốc hơi” 64% xuống 436.000 đồng/cổ phiếu.

Trần Thị Tú Anh/Người Đưa Tin