Tết 2023 thị trường bánh, mứt trở nên sôi động, nhu cầu hướng đến những sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề. Thời điểm này, không khí Tết đã tràn ngập khắp các siêu thị, trung tâm mua sắm và các khu chợ truyền thống. Các sản phẩm bánh, kẹo, mứt Tết đều đã được các đơn vị kinh doanh, tiểu thương đặt ở những vị trí thuận tiện nhất để thu hút khách hàng.
Dự báo nhu cầu tăng cao
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, căn cứ vào báo cáo của các địa phương cho thấy, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.
Bộ Công thương ước tính, dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường… Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Năm nay, ước tính nhu cầu mua sắm sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hóa chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.
Cùng với đó, thống kê nhanh của một số hệ thống siêu thị như Winmart, Big C, AEON, Lotte Mart,… cho thấy sức mua trong những ngày qua tăng khoảng 30% so với ngày thường. Những mặt hàng đang tiêu thụ tốt và được nhiều nhà bán hàng ưu tiên khuyến mãi là thực phẩm, bánh kẹo trong giỏ quà Tết, hàng tiêu dùng hằng ngày. Riêng với mặt hàng bánh mứt, các thương hiệu lớn sản xuất trong nước tiếp tục làm chủ thị trường.
Xu hướng món quà sức khỏe
Tặng quà Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời nay của người Việt. Những ngày đầu năm mới, mọi người sẽ đến nhà thăm hỏi và tặng cho nhau các món quà ý nghĩa. Nó không chỉ thay cho lời chúc sức khỏe, may mắn, thịnh vượng, mà còn giúp bày tỏ tình cảm của người tặng dành cho người nhận.
Trải qua hai năm đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng hướng tới những sản phẩm “lành”, tốt cho sức khỏe được ưu tiên hơn hết. Nhiều sản phẩm bánh, mứt handmade ngày càng được ưa chuộng vì an toàn và thân thiện với môi trường.
Tại hệ thống siêu thị Lotte Mart, tỷ lệ các sản phẩm bánh kẹo hàng Việt Nam cũng chiếm từ 80-90% các kệ hàng; tương tự, tại các hệ thống các siêu thị khác như BigC, WinMart…, tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước cũng chiếm đa số.
Đến thời điểm này, giá vẫn giữ ổn định và chỉ tăng nhẹ khoảng 10% do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Cụ thể các loại bánh quy có giá phổ biến 60.000-300.000 đồng/hộp tùy chất lượng, mẫu mã, bao bì (hộp giấy hoặc hộp thiếc), các loại kẹo 50.000-200.000 đồng/hộp, các loại mứt tết, hạt, trái cây sấy khô có giá phổ biến 40.000-170.000 đồng/hộp, gói tùy trọng lượng, bao bì… Ngoài ra, các sản phẩm như hạt dưa, hạnh nhân, macca, hạt điều, hạt sen sấy, hạt dẻ… có giá 80.000-240.800 đồng/hộp trọng lượng 150-500g.
Cầm trên tay hộp bánh của một thương hiệu sản xuất trong nước, chị Lê Hồng Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, theo quan sát của tôi, thị trường bánh, mứt, kẹo tết năm nay khá đa dạng và phong phú, nhiều chủng loại. Sản phẩm có xuất xứ khác nhau, tuy nhiên, sản phẩm trong nước có phần nhiều hơn và giá cả cũng “mềm” hơn sản phẩm nước ngoài.
Còn theo chị Trần Thu Anh (quận Đống Đa, Hà Nội), sau khi dạo một vòng quanh các hệ thống siêu thị, chị đã chọn mua được một số bánh kẹo, mứt tết của nhà sản xuất trong nước để dùng dịp tết. Theo chị, cùng 1 thương hiệu bánh, 1 chủng loại nhưng doanh nghiệp trong nước giờ đây rất sáng tạo khi sản xuất nhiều mẫu mã khác nhau như hộp giấy, hộp nhôm với kích cỡ và hương vị đa dạng. Từ đó, giúp chị dễ dàng chọn mua phù hợp mục đích sử dụng của các thành viên trong gia đình. Bánh kẹo tết được sản xuất trong nước có mẫu mã bắt mắt không kém hàng ngoại, giá cả lại hợp lý và chất lượng đảm bảo nên ưu tiên đầu tiên của chị khi mua sắm tết là chọn hàng nội.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, lợi dụng mùa mua sắm cao điểm, vẫn còn những trường hợp trà trộn sản phẩm “bẩn”, sản xuất hàng nhái thương hiệu nổi tiếng để đưa ra thị trường tiêu thụ. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng kiểm định chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong lựa chọn sản phẩm. Đó là khi mua nên chọn các thương hiệu và điểm bán uy tín, đồng thời cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng nên mua ở địa chỉ uy tín, tìm hiểu kỹ thông tin trên bao bì, nhãn mác để tránh mua hàng giả, hàng nhái, hàng sắp hết hạn sử dụng. |
Mỹ Sao