Home Chứng khoán Dòng tiền đã quay lại thị trường, có thể cân nhắc tích...

Dòng tiền đã quay lại thị trường, có thể cân nhắc tích lũy cổ phiếu

0

Thanh khoản đã tăng ở hai phiên cuối tuần cho thấy dòng tiền đã sẵn sàng quay lại thị trường, chỉ số chứng khoán nhiều khả năng đi lên trong tuần tới.

Sau tuần giao dịch cuối cùng của tháng 7 ghi nhận tăng điểm, các công ty chứng khoán đều cùng nhận định VN-Index vẫn thận trọng khi tiến gần vùng cản 1.220 điểm, áp lực chốt lời gây sức ép, nên có khả năng sẽ cần thêm thời gian để kiểm tra ngưỡng 1.200-1.220 điểm.

VN-Index giảm gần 21% sau 7 tháng

Kết thúc tuần giao dịch 25-29/7, VN-Index tăng 11,57 điểm, tương ứng 0,97%, lên 1.206,33 điểm. Như vậy, chứng khoán đã khép lại 7 tháng giao dịch đầu năm 2022 với mức giảm 20,9%.

Giá trị giao dịch trên HoSE tăng nhẹ 0,2% so với tuần trước với 59.710 tỷ đồng, khối lượng cổ phiếu được sang tay giảm 5,2% xuống 2,431 triệu cổ phiếu.

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,22 điểm, tương ứng 0,08% xuống 288,61 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 2,7% so với tuần trước với 7.031 tỷ đồng, khối lượng giảm 9% xuống 321 triệu cổ phiếu.

Về các nhóm cổ phiếu biến động mạnh tới thị trường trong tuần qua, nhóm trụ cột ngân hàng có mức bật đáng ghi nhận như STB tăng 7,4%, LPB tăng 5,6%, OCB tăng 3,1%, VCB tăng 3%, BID tăng 5,1%, SHB tăng 2,1%, VPB tăng 2%…

Tại nhóm cổ phiếu tài chính khác là công ty chứng khoán cũng ghi nhận các mã tăng điểm như SSI tăng 2,2%, HCM tăng 5,9%, VCI tăng 6,6%, CTS tăng 4,8%, AGR tăng 4,7%… Còn các cổ phiếu bảo hiểm như BVH tăng 2,7%, BIC tăng 6,1%, PVI tăng 6,4%, ABI tăng 10,2%…

Kết thúc tuần giao dịch 25-29/7, VN-Index tăng 11,57 điểm, tương ứng 0,97%, lên 1.206,33 điểm. (Ảnh: FireAnt)

Cổ phiếu trên sàn HoSE ghi nhận mức tăng mạnh nhất tuần giao dịch 25-29/7 là NVT khi có thêm 22,61% sau một tuần. Ngoài ra, VNS tăng 21,6%, PTC tăng 17,92%, BRA tăng 16,2%.

Ở chiều ngược lại, nhóm nguyên vật liệu với các cổ phiếu ngành thép đều giảm điểm và tác động tiêu cực tới thị trường là HPG giảm 3,2%, NKG giảm 7,5%, HSG giảm 6,4%, TLH giảm 3,4%, SMC giảm 4,9%…

Còn khác mã giảm điểm mạnh nhất sàn HoSE phải kể đến SVI giảm 11,25%, DBC giảm 9,85%, CTF giảm 9,15%, DGC giảm 9,06%.

Khối ngoại mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng

Tuần vừa rồi cũng ghi nhận những phiên giao dịch sôi động của khối ngoại. Trên sàn HoSE, khối ngoại đã thực hiện 4 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng duy nhất ngày cuối tuần 29/7. Khối ngoại đã mua ròng 20,87 triệu cổ phiếu với tổng giá trị mua ròng đạt 1.471,62 tỷ đồng, tăng gấp 4,6 lần về lượng và tăng hơn 167% về giá trị so với tuần trước đó (từ 18-22/7).

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng thực hiện 2 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng. Cụ thể, mua ròng 223.770 cổ phiếu với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 9,84 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó bán ròng 512.810 đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 15,41 tỷ đồng.

Còn tại sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài cũng thực hiện 2 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng. Cụ thể, bán ròng hơn 1,64 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 247,38 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó mua ròng 443.900 cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt 8,83 tỷ đồng.

Tính chung giao dịch tuần qua trên cả 3 sàn, khối ngoại đã mua ròng 19,45 triệu cổ phiếu với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 1.234,08 tỷ đồng, gấp 5,3 lần về lượng và 2,3 lần về giá trị so với tuần trước đó.

Khối ngoại mua ròng 4 phiên và chỉ bán ròng duy nhất một phiên cuối tuần. (Ảnh: FireAnt)

Khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu KDC với khối lượng mua ròng hơn 15 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng đạt 976,1 tỷ đồng. Giao dịch chủ yếu thực hiện theo hình thức thỏa thuận.

Đứng ở vị trí thứ 2 là SSI được mua ròng hơn 12,16 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng đạt 256,6 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG tiếp tục bị bán ròng mạnh nhất tuần qua với khối lượng bán ròng đạt hơn 16,43 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 352,2 tỷ đồng.

Tiếp theo đó là NVL bị bán ròng hơn 3,89 triệu cổ phiếu, tổng giá trị bán ròng đạt 308,1 tỷ đồng.

Áp lực chốt lời gây sức ép, chứng khoán cần thêm thời gian

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mặc dù có tín hiệu tăng tốt trong phiên trước nhưng VN-Index vẫn thận trọng khi tiến gần vùng cản 1.220 điểm. Áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn đang gây sức ép, nên có khả năng VN-Index sẽ cần thêm thời gian để kiểm tra cung cầu trong vùng tranh chấp 1.200-1.220 điểm.

Do vậy, VDSC gợi ý nhà đầu tư vẫn nên hạn chế mua đuổi và có thể cân nhắc mua tích lũy tại vùng hỗ trợ của các cổ phiếu đang có tín hiệu thu hút dòng tiền.

Chứng khoán MSB lại nhận định tuần qua đã là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index và trong 5 tuần vừa qua, chỉ số này đã tăng tới 4 tuần, khép lại tháng 7 với mức tăng nhẹ 0,73% sau 3 tháng giảm liên tiếp. Việc hồi phục của thị trường thế giới hai tuần liên tiếp vừa qua là nhân tố hỗ trợ cho đà tăng của thị trường trong nước.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index phiên ngày 29/7 đã 3 lần tiệm cận ngưỡng cản kỹ thuật MA50 nhưng đều không thể vượt qua, đây là phiên đầu tiên chỉ số này tiến sát về ngưỡng kỹ thuật này kể từ khi để mất hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Chứng khoán MSB nhận định tâm lý nhà đầu tư đang được cởi bỏ khi các rào cản ngắn hạn từ thị trường thế giới đã qua đi, thanh khoản đã tăng ở hai phiên cuối tuần cho thấy dòng tiền đã sẵn sàng quay lại thị trường, chỉ số có nhiều khả năng sẽ tiệm cận ngưỡng cản kỹ thuật 1.230 điểm trong tuần sau.

Còn theo Chứng khoán BSC, trong phiên cuối tuần trước, thị trường mở cửa với sắc xanh bao phủ thị trường. Đà tăng kéo dài nhưng đảo chiều mạnh vào cuối phiên khi áp lực bán làm tan rã lực mua trên thị trường. Thanh khoản vượt lên ngưỡng giao dịch trung bình 10.000 tỷ đồng cho thấy dòng tiền đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại khi thông tin kết quả kinh doanh quý II tạo hiệu ứng tâm lý tích cực.

Công ty chứng khoán này dự đoán VN-Index dự kiến có thể duy trì xu hướng giao dịch trong vùng 1.200-1.250 điểm vào tuần sau.

Trần Thu Thảo

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dong-tien-da-quay-lai-thi-truong-co-the-can-nhac-tich-luy-co-phieu-a562352.html