Home Chứng khoán Giá cao su tăng 40% sau hai tháng: Không có ‘phép màu’...

Giá cao su tăng 40% sau hai tháng: Không có ‘phép màu’ nào cho bầu Đức

0

Hai cổ phiếu ngành cao su là SRC và PHR đều bật tăng mạnh trong bối cảnh giá cao su thế giới tăng tới 40% sau hai tháng. Liệu có sóng cổ phiếu cao su hay không và liệu có phải “trùm” cao su HAGL Agrico sẽ thu lợi nhuận “khủng” từ diễn biến thoạt nhìn là thuận lợi này?

Theo thống kê biến động giá một tháng trở lại đây, trên sàn HoSE, cổ phiếu SRC của Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng và cổ phiếu PHR của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa là hai trong số ít cổ phiếu tăng giá mạnh mà vẫn có thanh khoản cao. Sở dĩ đề cập đến tính thanh khoản ở đây là bởi cổ phiếu thanh khoản thấp rất dễ bị lái giá, nghĩa là biến động giá không chân thực, không phản ánh đúng nhu cầu của thị trường.

Cụ thể, một tháng qua, cổ phiếu SRC đã tăng tới 25%; trong khi đó, cổ phiếu PHR đã tăng 22%.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh giá cao su bật tăng mạnh trong thời gian ngắn. Từ mức “đáy” khoảng 135 JPY/kg tại ngày 19/11/2018, giá cao su thế giới đã tăng vọt lên 188 JPY/kg tại ngày 15/1/2018, nghĩa là tăng tới 40% sau gần hai tháng.

Về nguyên nhân, nếu nhìn vào diễn biến giá cao su nhiều năm qua, có thể thấy đây đơn giản chỉ là diễn biến hồi phục sau khi giá cao su rớt giá mạnh. Hồi tháng 1/2018, giá cao su thực ra đã ở mức 188 JPY/kg, sau đó giảm dần (đan xen các nhịp hồi phục) và chạm “đáy” vào tháng 11/2018.

Điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp trong lĩnh vực cao su không được hưởng lợi. Về lý thuyết, nếu nhập cao su nguyên liệu ở vùng đáy, doanh nghiệp đã có thể kiếm được “món hời” nhất định.

Tuy vậy, thường thì rất khó một tổ chức không chuyên đầu cơ có thể nắm bắt được cơ hội trong vòng vỏn vẹn hai tháng và tạo ra lợi nhuận đáng kể. Với trường hợp SRC và PHR, yếu tố giá cao su có lẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ tâm lý. Hai doanh nghiệp này đều có câu chuyện riêng.

Chẳng hạn như với SRC, Vinachem đang có kế hoạch thoái vốn tại doanh nghiệp này và giới đầu tư kỳ vọng rằng, mức giá thoái vốn sẽ cao do SRC sở hữu một phần khu đất vàng “Cao – Xà – Lá” nằm trên đường Nguyễn Trãi, TP. Hà Nội.

Hay như trường hợp PHR, doanh nghiệp này vừa báo lãi năm 2018 vượt 45% kế hoạch cả năm. Diễn biến tăng giá nhiều khả năng là để đón đầu thông tin tốt này.

Khá nhiều thông tin cho rằng với việc giá cao su tăng mạnh trong thời gian ngắn như vừa qua, hàng chục nghìn hecta cao su của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) sẽ cho lợi nhuận “khủng”. Nhưng như đã đề cập, đây đơn giản chỉ là hồi phục giá sau một thời gian dài suy giảm.

Diễn biến giá cao su từ năm 2011 đến nay. Nguồn: TradingView

Hồi năm 2017, đã có lúc giá cao su lên đến trên 320 JPY/kg nhưng rừng cao su của Chủ tịch HAGL Agrico Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng chẳng thể nào cho lợi nhuận “khủng”. Cần lưu ý rằng thời điểm mà bầu Đức quyết tâm “bán nhà cũng phải trồng cao su” là năm 2011 khi giá cao su đạt đỉnh 30 năm, lên đến khoảng 500 JPY/kg, nghĩa là gấp 2,7 lần hiện tại.

Như vậy, dù giá cao su tăng tới 40% sau hai tháng nhưng sẽ không có “phép màu” nào cho rừng cau su hàng chục nghìn hecta của bầu Đức.

Theo Thanh Long/VietnamFinance