Giá xăng, dầu trong nước đã giảm mạnh ở mức 6.600 đồng/lít sau 3 kỳ liên tiếp giảm, thế nhưng giá cước vận tải vẫn không có dấu hiệu giảm.
Xăng giảm, cước vận tải vẫn “đứng im”
Xăng dầu là đầu vào sản xuất quan trọng, tác động trực tiếp tới hầu hết ngành nghề và đời sống người dân đặc biệt là ngành vận tải khi chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành chiếm từ 35-45%.
Trước việc xăng dầu giảm giá mạnh ở mức 6.600 đồng/lít sau 3 kỳ điều hành liên tiếp giảm, nhiều người dân và doanh nghiệp thường xuyên sử dụng dịch vụ vận tải đã kỳ vọng cước vận tải sẽ giảm theo.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Xuân Long, Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Thanh Hóa cũng cho biết nhiều doanh nghiệp vận tải đang tính toán phương án để giảm giá cước vận tải để phù hợp với sự điều chỉnh của giá nhiên liệu.
“Thông thường, khi giá nhiên liệu biến động khoảng 10% thì các doanh nghiệp vận tải sẽ điều chỉnh giá cước. Sau 3 kỳ giảm thì hiện nay mức giảm đã khoảng 20% nên chúng tôi cũng đã tính đến việc giảm giá cước để phù hợp với sự điều chỉnh giá xăng dầu. Đây là điều bắt buộc phải làm”, ông Long cho biết.
Tuy nhiên, qua khảo sát, mặc dù giá xăng dầu đã giảm, nhưng giá cước vận tải vẫn giữ nguyên so với trước khi giá xăng giảm.
Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cũng xác nhận đến nay Ban quản lý bến xe này chưa ghi nhận doanh nghiệp vận tải xe khách liên tỉnh có văn bản thông báo điều chỉnh thay đổi giá vé.
“Thực tế trước đó xăng tăng giá rất nhiều lần, nhưng gần như không có mấy đơn vị tăng giá cước do đó hiện nay xăng giảm thì họ cũng không điều chỉnh giá vé”, ông Thành giải thích.
Bên cạnh đó, Giám đốc bến xe Giáp Bát cũng cho biết một trong những lý do khiến doanh nghiệp “ngại” điều chỉnh giá cước bởi quy định khi điều chỉnh giá cước, các doanh nghiệp phải có văn bản có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản gửi Sở Tài chính, Sở GTVT và chỉ được áp dụng mức giá niêm yết mới sau 7 ngày.
“7 ngày so với chu kỳ điều hành giá xăng 10 ngày thì không ít hơn là bao nhiêu. Do đó, lo lắng nhất là khi vừa điều chỉnh giá cước thì giá xăng lại biến động. Đến khi đó, lại phải loay hoay xin giảm xin tăng, như vậy cũng rất phiền”, ông Nguyễn Tất Thành cho biết.
Đại diện Bến xe Nghệ An – bến xe khách có quy mô lớn tại khu vực miền Trung cũng chia sẻ tình trạng trên. “Trước đó, giá xăng dầu tăng cao chắc chắn đã ảnh hưởng rất nặng nề đến các doanh nghiệp vận tải, khiến chi phí đầu vào tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên do lượng khách ít và để đảm bảo tính cạnh tranh nên hầu như các doanh nghiệp không tăng giá vé hoặc tăng một chút do đó đến nên dù xăng giảm như doanh nghiệp vẫn chưa điều chỉnh giá”, ông Trần Minh Thành Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Nghệ An chia sẻ.
Ông Thành cũng cho biết dù xăng đã giảm mạnh như mức giá vẫn là cao so với giai đoạn trước. Mặt khác, doanh nghiệp vận tải vốn đã bị ảnh hưởng rất lớn trong suốt giai đoạn vừa qua do đại dịch Covid-19 và việc xăng dầu tăng giá nên hiện nay nếu giảm giá vé sẽ ảnh hưởng đến cân đối tài chính của các đơn vị vận tải.
Cho biết thêm về sản lượng hành khách, Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Nghệ An cho biết thị trường đang trên đà phục hồi rất nhanh tuy nhiên vẫn chưa đạt mức 50% so với giai đoạn trước dịch.
Cước vận tải “có độ trễ”
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, xăng giảm giá là tin mừng với doanh nghiệp, tuy nhiên việc giảm giá vận chuyển theo giá xăng dầu không hề dễ dàng.
“Các doanh nghiệp đều đang trong quá trình tính toán, việc giảm giá cước cũng không phải muốn mà làm ngay được. Cái khó ở chỗ chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước chỉ trong 10 ngày, tại kỳ điều chỉnh giá lần này – xăng dầu giảm mạnh nhưng giả sử tại kỳ điều chỉnh giá sau lại tiếp tục biến động tăng hoặc giảm, nên việc điều chỉnh giá ngay lúc này là điều không thể. Thực tế, nhiều hãng taxi thời gian qua chưa kịp làm hồ sơ tăng giá thì giá xăng liên tục điều chỉnh tăng. Nay giá giảm cũng chưa nhiều nên giá cước vẫn giữ nguyên vậy”, ông Hùng nói và khẳng định điều cần nhất lúc này là sự ổn định của giá xăng dầu.
Khẳng định giá cước vận tải so với giá xăng dầu luôn có độ trễ nhất định, ông Hùng cho rằng bên cạnh việc xem xét tính ổn định của thị trường còn bởi nhiều vấn đề thủ tục.
“Giá cước vận tải so với giá xăng dầu luôn có độ trễ nhất định. Chẳng hạn, giá xăng dầu tăng liên tục thì phải sau hơn 3 tháng, các doanh nghiệp vận tải mới gửi đơn xin các sở ngành cho tăng giá cước. Thường các doanh nghiệp gửi văn bản về các sở GTVT, sở tài chính, cục thuế… chờ các cơ quan đó có ý kiến. Sau 10 ngày nếu cơ quan quản lý không có ý kiến là doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm.
Với taxi truyền thống, thủ tục nhiêu khê hơn. Tức là sau khi được các cơ quan quản lý đồng ý cho tăng/giảm cước rồi thì phải đưa mấy nghìn xe taxi đó về trung tâm kiểm định để cắt niêm chì đồng hồ, đăng ký giá cước mới, lập trình lại… Trung bình mỗi xe mất thời gian cắt niêm chì, thay mới ít nhất 25 – 30 phút, nhưng không phải trung tâm kiểm định lúc nào cũng rảnh để ưu tiên cho các hãng xe đăng ký làm.
Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu thế giới vẫn biến thiên khó lường, 10 ngày, 20 ngày sau giá lại tăng trở lại, việc đệ đơn xin giảm lúc này thì chưa thể. Như tôi nói ở trên, thị trường phải nghe ngóng một thời gian đã, độ trễ là vậy”, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội chia sẻ đồng thời cho biết mỗi lần thay đổi bảng giá, doanh nghiệp taxi sẽ mất phí đăng kiểm 100.000 đồng cho đồng hồ tính tiền, 30.000 – 40.000 đồng/bộ tem niêm yết giá cước, xe phải dừng hoạt động trong lúc chờ thay đổi bảng giá…
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho biết ngoài nhiên liệu, bài toán chi phí của doanh nghiệp taxi còn liên quan đến nhiều mặt khác trong khi đó hầu như đều cũng ở mức giá cao. Chưa kể với quy định mới về mức lương tối thiểu vùng mới được áp dụng thì chi phí cho đội ngũ lao động của doanh nghiệp taxi cũng tăng theo.
Lý giải từ góc độ thị trường, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng mặc dù giá xăng giảm khá sâu nhưng giá tiêu dùng trên thị trường nhiều khả năng chưa thể giảm ở mức tương ứng. Nhiều mặt hàng vẫn sẽ neo ở mức cao và mặt bằng giá cả trên thị trường sẽ không có sự điều chỉnh mạnh.
“Trước hết là doanh nghiệp vận tải thì đã phải bù lỗ trong suốt nhiều tháng vừa qua nên hiện nay là lúc họ thu hồi lại.
Thứ hai, là doanh nghiệp họ đang còn “nghe”, nghe xem kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tới (1/8) giá xăng dầu tăng hay giảm.
Thứ ba, từ kinh nghiệm theo dõi giá hàng hóa bán lẻ mấy chục năm nay, tôi nhận thấy hiện tượng “lên nhanh, xuống chậm”, giá có thể lên 3 bậc nhưng khó giảm nửa bậc.
Một vấn đề cũng cần quan tâm là từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên, các nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước theo tỉ giá USD cũng sẽ tăng chứ không giảm”, ông Phú cho biết.
Phân tích với mức giảm gần 7.000 đồng cho mỗi lít xăng, dù chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, nhưng chuyên gia kinh tế này cho rằng đây cũng là mức giảm khá mạnh nếu so với tổng số tiền tăng thêm gần 11.000 đồng/lít xăng kể từ đầu năm.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần xem xét để bắt đầu thực hiện giảm giá hàng hóa, trong đó có thể giảm đầu tiên là các doanh nghiệp vận tải vì xăng dầu có tác động trực tiếp. Nhưng do đây là nhóm ngành phải công bố kê khai giá nên cần thực hiện thủ tục sớm để từ tháng 8 sẽ áp dụng giá mới. Đối với nhiều hàng hóa khác có thể còn chờ sau khi giá vận chuyển hạ nhiệt thì mới đi theo.
Ông Phú cũng lưu ý với nhiều loại hàng hóa thì xăng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ…Vì vậy giá xăng giảm không đồng nghĩa với việc tất cả hàng hóa khác đều hạ theo. Hơn nữa, có thể các doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng giá xăng dầu còn tiếp tục đi xuống trong tháng 8, nhất là khi Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu. Nếu được giảm hai loại thuế nêu trên, giá xăng được kỳ vọng giảm sẽ về còn 22.000 – 23.000 đồng/lít thì khi đó, giá hàng hóa khác chắc chắn sẽ được mạnh tay điều chỉnh hơn.
Lê Mạnh Quốc
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/gia-xang-dau-giam-manh-tai-sao-cuoc-van-tai-van-an-binh-bat-dong-a561100.html