Nhiều doanh nghiệp lọt vào danh sách không cấp ký quỹ (margin) của HoSE và HSX do lợi nhuận sau thuế âm tại báo cáo tài chính (BCTC) bán niên.
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo bổ sung TYA của CTCP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam vào danh sách không cấp margin. Lý do là lợi nhuận sau thuế tại tổng hợp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 là số âm.
Cụ thể, trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2023, công ty đã lỗ hơn 6 tỷ đồng. Con số này cao hơn số lỗ gần 4 tỷ đồng trên BCTC do công ty tự lập.
Theo đó, số lượng chứng khoán bị cắt margin của HoSE tăng lên thành 86 mã. Giống với TYA, nhiều cổ phiếu cũng vừa rơi vào diện cắt margin sau khi công bố báo cáo soát xét bán niên.
Trong đó, cùng nguyên nhân lợi nhuận sau thuế âm trong báo cáo tài chính bán niên có APG của CTCP Chứng khoán APG, DC4 của CTCP Xây dựng DIC Holdings, HVX của CTCP Xi măng Vicem Hải Vân, SMA của CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn,…
Ngoài ra, một nguyên nhân khiến cổ phiếu bị HoSE cắt margin nữa là BCTC soát xét có ý kiến không phải ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán. Đó là trường hợp DAH của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á và SPM của CTCP S.P.M.
Bên cạnh đó, nhiều công ty không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do thời gian niêm yết chưa đủ 6 tháng như cổ phiếu ADP của CTCP Sơn Á Đông, SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG…
Tương tự Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) những ngày gần đây liên tục cập nhật danh sách cố phiếu bị cắt margin.
Một loạt cổ phiếu như EVS của CTCP Chứng khoán Everest, BTS của CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn và mới nhất là PEN của CTCP Xây lắp III – Petrolimex bị đưa vào diện không cấp ký quỹ. Nguyên nhân chủ yếu cũng xuất phát từ lợi nhuận sau thuế âm tại BCTC soát xét bán niên.
Thu Hương