Home Ngân hàng Bảo hiểm Lập hợp đồng bảo hiểm ảo có thể bị khép tội hình...

Lập hợp đồng bảo hiểm ảo có thể bị khép tội hình sự

0

Lập hợp đồng bảo hiểm ảo có thể bị khép tội hình sự. (Ảnh minh họa)

Đây là khẳng định của luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt – Đoàn Luật sư TP. HCM, khi trao đổi với PV về tình trạng hợp đồng bảo hiểm ảo trong bảo hiểm nhân thọ đang có dấu hiệu gia tăng.

– Ông nhìn nhận ra sao về tình trạng “chơi game” hợp đồng bảo hiểm?

Nhiều năm trước, tình trạng “chơi game” này chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ.

Cụ thể, một đại lý có thể bỏ tiền ra mua bảo hiểm cho bản thân hoặc người nhà, bạn bè của mình với mục đích là chạy theo các chương trình thi đua của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc để trụ hạng.

Nhưng hiện tại, diễn biến này đã biến tướng thành chiêu trò bài bản, thậm chí có tổ chức, với hệ thống đại lý ma và hợp đồng bảo hiểm ảo.

Đại lý ma là những đại lý có tên mà không có người hoặc có người nhưng người đó không làm bảo hiểm nhân thọ. Còn hợp đồng ảo là những hợp đồng không có thực; khách hàng không bỏ tiền ra đóng phí bảo hiểm, thậm chí không biết đến sự tồn tại của hợp đồng này.

Chẳng hạn, một quản lý đại lý có thể dựng nên hệ thống đại lý ma dưới trướng, gồm nhiều tầng nấc. Sau đó, anh ta tạo ra những hợp đồng ảo mang danh đại lý ma tư vấn. Người này bỏ tiền ra đóng phí bảo hiểm năm nhất, nhận thù lao từ doanh nghiệp bảo hiểm và hưởng phần chênh lệch.

Tại sao lại có phần chênh lệch? Bởi doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả hoa hồng bảo hiểm, thù lao cho các cấp quản lý, các khoản thưởng như thưởng tuyển dụng, đại lý mới hoạt động, thưởng doanh số theo tháng/quý… Tất cả các khoản này cộng lại, ở một số công ty, có thể lên đến 120%, 140% so với phí năm đầu, thậm chí còn cao hơn.

Được biết, có cá nhân đã hưởng lợi nhiều tỷ đồng trong thời gian ngắn nhờ thực hiện chiêu trò này. Tất nhiên, họ sẽ không đóng phí bảo hiểm năm 2 và những năm về sau. Những hợp đồng bảo hiểm này (vốn là hợp đồng ảo) xem như mất hiệu lực và doanh nghiệp bảo hiểm bị lỗ.

– Nếu trường hợp này xảy ra, ai là người bị hại, thưa ông?

Khi xây dựng hệ thống đại lý ma bán hợp đồng ảo, thường quản lý đại lý sẽ thực hiện các thủ đoạn chính sau: Làm giấy tờ giả cho quản lý cấp dưới; giả mạo hồ sơ, chữ ký người đăng ký làm đại lý; hoặc giả mạo hồ sơ, chữ ký của khách hàng tham gia bảo hiểm.

Ban đầu, đối tượng bị hại là doanh nghiệp bảo hiểm nhưng nếu xem xét kỹ, người bị thiệt hại lại là các khách hàng mua bảo hiểm của doanh nghiệp đó.

– Có ý kiến cho rằng hành vi lập hợp đồng ảo để lấy tiền chênh lệch (giữa phí bảo hiểm năm nhất với khoản thù lao do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả) chỉ vi phạm quy định của ngành bảo hiểm, không vi phạm pháp luật hình sự. Ông nghĩ sao về điều này?

Thực ra, hành vi này có thể xem là hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về nguyên tắc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

Có thể phân tích cấu thành tội phạm như sau:

Thứ nhất, về chủ thể thực hiện tội phạm: Người trên 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, có thể chắc chắn những người can dự vào diễn biến này đều trên 18 tuổi.

Thứ hai, khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Cũng tương tự các tội có tính chất chiếm đoạt khác, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân, mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Rõ ràng, việc lập hợp đồng ảo là hành vi chiếm đoạt tài sản do doanh nghiệp bảo hiểm sở hữu.

Thứ ba, về mặt khách quan của tội phạm: Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối.

Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản thông qua nhiều hoạt động giả mạo giấy tờ, chứng từ, chữ ký cho quản lý đại lý cấp dưới, đại lý bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.

Thứ tư, về hậu quả và mối quan hệ nhân quả: Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản, mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Theo quy định, giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ trên 2 triệu đồng mới cấu thành tội phạm. Trở lại hành vi lập hợp đồng ảo bảo hiểm nhân thọ, giá trị tài sản bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.

Thứ năm, về mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội cố ý thực hiện hành vi phạm tội (không thể diễn ra dưới hình thức lỗi vô ý).

Tóm lại, có đầy đủ căn cứ để xem xét hành vi lập hợp đồng ảo trong bảo hiểm nhân thọ là hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự hiện hành.

– Vậy chế tài xử phạt với hành vi này như thế nào?

Hành vi này có thể bị xử phạt khá nghiêm khắc, tùy thuộc vào số tiền bị chiếm đoạt. Nếu chiếm đoạt từ trên 500 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt tù trong khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, thậm chí tù chung thân (theo Điều 174, Bộ luật Hình sự).

Theo Kim Lan/ĐTCK/Vietnamfinance